Người Xứ Tuyên trong thơ Ngọc Hiệp

Nhà thơ Ngọc Hiệp gần gũi và gắn bó với Văn nghệ xứ Tuyên và núi rừng Việt Bắc. Thơ Ngọc Hiệp mênh mang lai láng thấm đẫm tình cảm một người miền xuôi lên và gắn bó với miền ngược. Người xứ Tuyên trong thơ Ngọc Hiệp khi kín đáo e ấp, khi rạo rực tình người...

“... Có người hàng xóm nhà tôi...”
“... Đôi lần gặp ánh mắt tôi
Vợ người hàng xóm mỉm cười quay đi...”
(Trong bài thơ Người hàng xóm)

Trong “Đêm Sình ca”, Ngọc Hiệp ngỡ ngàng về người xứ Tuyên:

“... Giọng hát chùng như dây chỉ
Giọng hát ngọt ngào tiếng suối...”
“... Chỉ còn ấm những làn môi...”
(Trong bài Đêm Sình ca)

Phụ nữ xứ Tuyên trong trang phục truyền thống. Ảnh: Tôn Bảo.

Phụ nữ xứ Tuyên trong trang phục truyền thống. Ảnh: Tôn Bảo.

Bởi những lời thơ như thế, tôi “lần theo” giọng thơ Ngọc Hiệp và cứ gọi cái tên “Ngọc Hiệp, Ngọc Hiệp...” như gọi tên người con gái xoan trẻ nào đó rồi “tưng tửng” đọc thơ ông. Rồi biết về Nhà báo, Nhà thơ quê quán miền xuôi Thái Tân, Thái Thụy, Thái Bình đã lên miền núi Tuyên Quang từ thời trai trẻ, “hoạt động” trong lĩnh vực Văn hóa Thông tin ở xứ Tuyên. Tình đất tình người nơi đây đã níu kéo ông để trong ông hé nở “Hoa lòng”.

“... Ơi em gái người Dao
Ngực tròn căng đón gió...”
(Trên hồ Nà Hang)

Vẫn biết “Em không phải nàng tiên” nhưng ở Miền gái đẹp xứ Tuyên này vẫn làm bao người “ngất ngây tình”...

Ngọc Hiệp đã nghe “Tiếng lá rừng” nơi đây từ những con người chân thành chất phác nơi “Bản làng em cao lưng chừng núi” kia đang “Dập dìu trai gái vui lớp học” (trong bài Điện về bản) làm cho chàng cán bộ Văn hóa Thông tin chạnh nhớ quê mình, “Thấy xôn xao lúa đồng chiêm quê nhà” và “Tháng ngày xưa bóng mẹ ta” (trong bài Mưa tháng Ba).

Vương vấn mãi người xứ Tuyên trong ông:

“Còn không em? Người đan phên đan cót”
“Em có còn tựa cửa đứng trông ra...”
(Trong bài Nhớ về nơi em)

Nơi ấy, “Điệu Then nghiêng ngả đất trời xốn xang”, nơi “Quan làng vẫn hát đêm thâu. Để vầng trăng lại say trầu ngả nghiêng” trong thơ Ngọc Hiệp. Tình người xứ Tuyên làm bước chân ông thêm dẻo dai trên chặng đường công tác, vì “Em đi bên cạnh leo thêm mạnh. Thấy trái tim mình có nhạc reo...” (trong bài Qua đèo Cổ Iểng).

Những gương mặt bình dị, chịu thương chịu khó của người xứ Tuyên lắng lại trong ông:

“... Nhớ có lần em nắm tay tôi
Chiếc vòng bạc cổ tròn in ngấn
Tay phồng rộp mồ hôi ướt đẫm...”
(trong bài Về Yên Nguyên)

Nhớ cả dáng bà mẹ vùng cao lam lũ mà vẫn say tiếng hát quê mình trong bài “Mẹ lên sân khấu”:

“Hát vui cùng con cháu
Giữa xuân đời bao la...
Mẹ hát câu Sli, Lượn...”

Bà mẹ ấy cũng từ những “Con gái bản”, “Mặt trời còn ngủ. Đã lên nương rồi”, khi thì “Lấm quần, lấm váy. Suốt ngày gieo cấy. Còng lưng trên bùn...”.

Những gương mặt người lao động bình dị cần cù “Bước chân tấp nập. Vào ca rộn ràng”, “Mồ hôi quyện vào Lửa hồng rực cháy...” để làm ra sản phẩm Made in Tuyên Quang (trong bài Xi măng Tuyên Quang) và “Những người đội trời đạp đất. Chẳng chịu ngồi bó gối khoanh tay...” đã góp công góp sức làm cho “Đầy ắp thôn quê những tiếng cười...”...

Có lẽ xứ Tuyên duyên dáng đáng yêu có “Hương của vùng đồi”, có “Dòng Lô ăm ắp mây trời”, có “Vùng chiến khu anh dũng kiên cường” nơi “Chập trùng núi, bồng bềnh mây” với những gương mặt người xứ Tuyên dịu dàng chân thật đã để lại cho Nhà thơ Ngọc Hiệp những cảm xúc thi ca rung động. Biết bao bài thơ gắn với cái tên Ngọc Hiệp trẻ trung viết về xứ Tuyên, dù ông tuổi U80 (sinh năm 1943) vẫn còn gieo những vần thơ như những lời tri ân tự đáy lòng của người con quê lúa Thái Bình với miền rừng núi xứ Tuyên sẽ còn đọng lại trong tâm trí bạn đọc. Có thể nhiều người biết ông và nhiều người đọc thơ ông nhưng chưa một lần gặp mặt.

Lương Ky (Hà Nội, tháng 3/2020)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/nguoi-xu-tuyen-trong-tho-ngoc-hiep-130433.html