Người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu được trả kết luận giám định đúng thời hạn

Luật Giám định tư pháp (GĐTP) đã đi vào đời sống xã hội, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, vai trò của công tác GĐTP. Để tìm hiểu rõ hơn những quy định về hoạt động GĐTP, chúng tôi đã trao đổi cùng ông Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Ông có thể cho biết quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu GĐTP được quy định như thế nào?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Người yêu cầu giám định có quyền: Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện GĐTP trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu và giải thích kết luận giám định; đề nghị tòa án triệu tập người GĐTP đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định; yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại Khoản 1, Điều 29 của luật này.

Người yêu cầu GĐTP có nghĩa vụ: Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người GĐTP và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp; nộp tạm ứng chi phí GĐTP khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Phóng viên: Luật quy định ra sao về quyền, nghĩa vụ của người GĐTP?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Người GĐTP có quyền: Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định; sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định; độc lập đưa ra kết luận giám định.

Người GĐTP có nghĩa vụ: Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện GĐTP; thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định; thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết; lập hồ sơ giám định; bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định; không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản; chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người GĐTP có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Phóng viên: Yêu cầu GĐTP trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự được luật quy định như thế nào?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Văn bản yêu cầu GĐTP phải có các nội dung, gồm: Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; tên và đặc điểm của đối tượng giám định; tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định (theo Điều 26 Luật GĐTP).

Phóng viên: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định như thế nào về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án; tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; nguyên nhân chết người; tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động; chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; mức độ ô nhiễm môi trường.

Phóng viên: Thời hạn giám định đối với những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định của BLTTHS năm 2015 được quy định như thế nào?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Thời hạn giám định không quá 3 tháng đối với trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 206 của BLTTHS; không quá 1 tháng đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 và Khoản 6, Điều 206 của BLTTHS; không quá 9 ngày đối với trường hợp quy định tại các Khoản 2, 4 và 5, Điều 206 của BLTTHS. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 208 BLTTHS thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định. Thời hạn giám định quy định tại điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại (theo Điều 208 BLTTHS).

Phóng viên: Đồng chí cho biết Luật GĐTP quy định về những trường hợp không được thực hiện GĐTP?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện GĐTP: Các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi; được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện GĐTP, gồm: Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng; có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định (Điều 34 Luật GĐTP).

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Mai Khôi (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nguoi-yeu-cau-giam-dinh-co-quyen-yeu-cau-duoc-tra-ket-luan-giam-dinh-dung-thoi-han-29591.html