Nguồn cảm hứng Katalin Kariko
Năm 2023 đã chứng kiến một khoảnh khắc rất được chờ đợi khi nhà khoa học Katalin Kariko, người đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu công nghệ mRNA để giúp phát triển vắc xin trong đại dịch COVID-19, được xướng tên là chủ nhân của Giải Nobel Y Sinh 2023.
Khoảnh khắc vinh quang sau hơn 40 năm chờ đợi
Thực ra, đó là khoảnh khắc mà giới khoa học đã dự báo kể từ khi công nghệ RNA - thông tin (mRNA) được Pfizer và BioNTech áp dụng để sản xuất hàng loạt vắc xin, góp phần giúp nhân loại vượt qua đại dịch COVID-19. Và điều đáng nói hơn là giải Nobel Y sinh 2023 là kết quả của hàng chục năm nghiên cứu không biết mệt mỏi và sự kiên trì không thể lay chuyển của bà Kariko cùng người đồng nghiệp Drew Weissman về một công nghệ từng bị cả thế giới phớt lờ.
Bởi vậy, không quá khi nói rằng thành tựu của bà Kariko và giáo sư Weissman có phần mang hình bóng của nhà thiên văn học vĩ đại Galileo Galilei khi ông phát hiện và tin tuyệt đối vào Thuyết nhật tâm và việc Trái đất là hình cầu, bất chấp quan niệm của nhân loại lúc đó - đặc biệt Giáo hội Công giáo - rằng Trái đất là một mặt phẳng và là trung tâm của vạn vật.
Bởi vậy, giải Nobel Y Sinh 2023 của Kariko và Weissman một lần nữa củng cố rằng niềm tin và tinh thần khoa học luôn là nền tảng để làm nên những phát kiến vĩ đại của nhân loại, bất chấp thời gian, khó khăn và dù cho nó có được mọi người thừa nhận hay không.
Có thể nói, nếu đại dịch COVID không xuất hiện vào cuối năm 2019, công nghệ mRNA vẫn sẽ được tôn vinh vào một ngày nào đó trong lịch sử loài người. Bởi nó có giá trị vượt thời gian và cần thiết đối với nhân loại. Như đã biết, mRNA không chỉ có ý nghĩa sớm tạo ra vắc xin COVID, mà còn giúp giới y học tìm ra các cách tiếp cận mới để chữa trị những căn bệnh nan y, gồm cả ung thư hay HIV.
Chính bà Kariko từng thừa nhận rằng: “Tôi chưa bao giờ nghi ngờ rằng nó sẽ hiệu quả. Tôi đã xem dữ liệu từ các nghiên cứu trên động vật và tôi đã mong đợi nó. Tôi từng luôn ước mình có thể sống đủ lâu để thấy những gì mình đang làm được chấp nhận”.
Tinh thần khoa học và sự kiên trì
Trở lại quá khứ để thấy hành trình cống hiến cả đời cho khoa học của bà Kariko thật đáng ngưỡng mộ. Ngay khi tốt nghiệp đại học năm 1978 ở Hungary, bà đã bắt đầu làm việc với mRNA và sẽ còn theo đuổi sứ mệnh này suốt hơn 40 năm sau này.
Đến năm 1985, phòng thí nghiệm nơi bà Kariko làm việc đã không còn nhận được tiền tài trợ và buộc phải đóng cửa. Rất nhanh chóng và quyết liệt, bà tìm kiếm cơ hội ở Mỹ. Gia đình bà đã bán chiếc xe hơi để mua vé một chiều đến Mỹ như một sự cống hiến tuyệt đối cho khoa học.
Bà Kariko làm việc tại trường Đại học Temple ở Philadelphia trong 3 năm đầu tiên tại Mỹ. Bà đọc các bài báo khoa học cho đến khi thư viện đóng cửa lúc 11 giờ đêm, sau đó ở lại căn hộ của một người bạn hoặc đơn giản là trải một chiếc túi ngủ trên sàn văn phòng. Vào lúc 6 giờ sáng, bà tiếp tục các thí nghiệm của mình và chạy bộ.
Năm 1989, bà Kariko nhận được công việc tại Đại học Y khoa Pennsylvania. Sau đó, bà cộng tác với bác sĩ tim mạch Elliot Barnathan. Họ nhận ra mRNA có thể kích hoạt các tế bào tiết ra một loại protein theo mong muốn để giúp chúng có thể học cách chống lại bệnh tật cũng như các loại virus, giống như huấn luyện thú cưng hay một con robot AI vậy.
Bà Kariko bị ám ảnh bởi mRNA, và các đồng nghiệp nói rằng bà không bao giờ muộn phiền khi thất bại. “Thử nghiệm không bao giờ sai, nhưng kỳ vọng của bạn thì có” - bà thường nhắc lại câu nói nổi tiếng của Leonardo da Vinci đó.
Nhưng, bước ngoặt chỉ đến vào cuối những năm 1990, khi Kariko gặp nhà miễn dịch học Drew Weissman - người đang muốn tạo ra một loại vắc xin HIV và tìm kiếm các công nghệ khác nhau. Bà đã giới thiệu với ông về RNA - thông tin và sau đó đề nghị tạo ra mRNA cho thí nghiệm của ông. “Tôi tạo ra RNA, đó là những gì tôi đang làm. Tôi rất giỏi với nó” - bà tự tin nói với nhà miễn dịch học.
Tuy nhiên, khi Weissman tiến hành thử nghiệm, ông nhận thấy mRNA của bà Kariko kích hoạt thêm cả phản ứng viêm - một thất bại chóng vánh. Nhưng cuối cùng, những nỗ lực không biết mệt mỏi của hai nhà khoa học đã được đền đáp. Kariko và Weissman đã thành công trong việc ngăn mRNA kích hoạt hệ thống miễn dịch. Họ cho công bố những phát hiện của mình và được cấp bằng sáng chế vào năm 2005.
Đừng bao giờ bỏ cuộc
Tuy nhiên, đó chỉ là thành công nhỏ bé và ngắn ngủi của bà Kariko với mRNA. Năm 2013, bà nghỉ hưu tại Đại học Pennsylvani mà không có chức vị gì cả. Sự nghiệp của bà có vẻ không thành công và công trình cả đời về mRNA của bà cũng thật mờ nhạt. Bà vẫn là một nhà khoa học vô danh khi đó.
Nhưng Kariko không chịu từ bỏ. Bà muốn tiếp tục nghiên cứu và quyết đưa mRNA vào ứng dụng thực tế. Bởi vậy, bà đã gia nhập BioNTech ở Đức, khi đó là một công ty khởi nghiệp không tên tuổi, thậm chí chưa từng tạo ra một sản phẩm y tế được phê duyệt. Mỗi năm, bà sang Đức sống và làm việc trong 10 tháng.
Bà kể lại quyết định khó khăn của mình lúc đó: “Tôi đã có thể ngồi sau sân nhà mình chỉ để nhìn cỏ mọc. Nhưng không, sau tôi đã quyết định sang Đức, vào một công ty công nghệ sinh học không có trang web, bỏ lại chồng và gia đình mình. Tôi đang làm cái quái gì vậy? Suốt một tuần, đêm nào tôi cũng khóc và không ngủ được”.
Trong nhiều tháng khi xảy ra đại dịch COVID-19, bà Kariko thường lặp đi lặp lại những câu hỏi khó hiểu với con gái mình rằng: “Hãy xem tin tức hôm nay. Và ngày mai, ngay khi thức dậy, con hãy tìm kiếm trên Google từ khóa BioNTech”. Cô con gái Susan của bà, lúc đó đã là một VĐV trượt tuyết nổi tiếng và từng đoạt HCV Olympic, nhớ lại: “Sau đó, vào một ngày, bà vội vàng dập máy sau một cú điện thoại và nói với tôi: Mẹ phải đi ngay, tạm biệt con!”. Đó là khi điều mà bà đã chờ đợi suốt 40 năm đã đến. Công nghệ mRNA đã được áp dụng thành công để bào chế vắc xin COVID-19.
Như vậy, Kariko đã dành cả sự nghiệp cho một khoảnh khắc vĩ đại và nó đã đến sớm hơn cả bà mong đợi. Và có thể khẳng định rằng hành trình đoạt giải Nobel Y Sinh 2023 của bà là một nguồn cảm hứng lớn cho toàn thế giới, cũng như là một lời nhắc nhở rằng: Đừng bao giờ tuyệt vọng và hãy lạc quan hướng đến tương lai!
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguon-cam-hung-katalin-kariko-post282084.html