Nguồn cảm hứng từ phong trào Gwangju
Thảm sát Gwangju không chỉ là thách thức với nền dân chủ Hàn Quốc, nó còn xúc phạm đến lương tri con người, là gánh nặng đè lên ngòi bút của nhà văn. Nó không chỉ là đề tài hấp dẫn, mà còn là một sự kiện cần được mổ xẻ, phân tích đến kiệt cùng, thấu đáo, để có thể lý giải một cách hợp lý tại sao nhân dân của cùng một nước lại có thể giết nhau bằng những hình thức tàn bạo nhất.
Từ cái chết của nhà độc tài
Park Chung Hee yên vị, xung quanh ông là những người thân tín. Ông đang ở ngôi nhà của mình, Tổng thống phủ hay thường được gọi là Nhà Xanh. Người ta thông báo với ông buổi tiệc sắp bắt đầu.
Rồi Kim Jae Kyu bước vào, một cấp dưới và người bạn thân thiết trong nhiều năm. Tổng thống Park tin tưởng ông đến mức giao cho chức giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc (KICA) - trong một chế độ độc tài, viên giám đốc cơ quan tình báo chính là tai mắt, và cả cánh tay đao phủ của lãnh tụ.
Cho đến giây phút vệ sĩ thân cận đổ gục xuống, không biết Park Chung Hee có đoán được kết cục của mình, có thấy được cái kết cục ấy trong mắt Kim Jae Kyu, vừa hạ sát vệ sĩ của ông bằng súng lục? Nếu có thể đoán trước, hẳn ông sẽ không bước vào căn phòng này, hẳn ông sẽ ra lệnh bắt và xử tử ngay kẻ phản bội, kẻ ít giây tới sẽ bắn tới tấp vào người ông. Để chắc chắn rằng Park Chung Hee đã chết. Để chắc chắn rằng viên đạn của mình ghim vào “đúng trái tim của Hiến pháp Duy Tân” như sau này Kim khai trước tòa án.
Đồng hồ điểm 19 giờ 41 phút, vị tổng thống đương nhiệm của Đại Hàn Dân Quốc vừa bị ám sát. Tính đến cái đêm 26.10.1979 đó, ông đã tại vị được 16 năm, giữ đúng lời thề lãnh đạo đất nước cho đến lúc chết.
Hai tháng sau đó, Chun Doo Hwan tiến hành đảo chính, ban hành thiết quân luật và đặt tổng thống bù nhìn Choi Kyu Hah lên cái ngai đang trống. Choi nhấp nhổm trên đống lửa được 8 tháng thì từ chức, nhường ngôi lại cho “minh chủ”, người vốn nắm quyền từ đảo chính đến giờ. Chun Doo Hwan chính thức trở thành tổng thống Hàn Quốc.
Trong vòng 9 ngày (từ ngày 18 đến 27.5.1980), nhân dân thành phố Gwangju đã nổi dậy chống lại ách độc tài của Chun Doo Hwan. Quân đội Hàn Quốc sử dụng vũ lực để dập tắt cuộc nổi dậy của nhân dân. 207 người thiệt mạng, 2.392 người bị thương và 987 người mất tích chỉ trong 9 ngày ngắn ngủi của tiết lập hạ năm 1980.
Những con số trên được đạo diễn Kim Ji Hoon công bố trong bộ phim Ngày 18 tháng 5 chiếu năm 2007. Cho đến nay, những số liệu về thương vong ở Gwangju năm 1980 vẫn còn gây tranh cãi. Chỉ biết những gì diễn ra ở thành phố này đã thay đổi Hàn Quốc mãi mãi, tác động rất lớn đến các phong trào dân chủ ở xứ sở kim chi và ngày nay thường được biết đến với cái tên “Bạo loạn Gwangju” hay “Thảm sát Gwangju”, nhưng phổ biến nhất vẫn là “Phong trào dân chủ Gwangju” mới lột tả hết bản chất cũng như ảnh hưởng của sự kiện này.
Công bằng vẫn chưa đến với các nạn nhân và gia đình trong vụ thảm sát ở thành phố Gwangju. Trên thực tế, sau sự biến Gwangju, Chun Doo Hwan cầm quyền thêm 8 năm nữa. Và phải đến năm 1996 ông mới bị kết tội cùng với cựu Tổng thống Roh Tae Woo.
Chun bị tuyên án tử hình, sau giảm còn chung thân, đến năm 1997 thì được đương kim Tổng thống Kim Young Sam ân xá. Đao phủ một thời vẫn sống trong an nhàn cho đến ngày hôm nay.
Khi nghệ thuật lên tiếng thay lịch sử
Do người chịu trách nhiệm chính cho vụ thảm sát Gwangju năm 1980 vẫn chưa bị pháp luật trừng trị, những người làm nghệ thuật thấy cần phải lên tiếng. Và khi các thước phim tài liệu ghi nhận sự kiện này chưa đủ sức thỏa mãn công chúng, các nhà làm phim dùng điện ảnh tái dựng một chương đen tối trong nền dân chủ Hàn Quốc.
Sớm nhất có thể kể đến phim A Petal (1996) của Jang Sun Woo, kể về một thiếu nữ 15 tuổi trải qua cuộc nổi dậy ở Gwangju, những gì cô chứng kiến đã ám ảnh đời cô mãi về sau. Mười năm sau, phong trào Gwangju xuất hiện lần nữa trong bộ phim có phần hài hước Ngày 18 tháng 5 của Kim Ji Hoon. Hai bộ phim này dù mang những phong cách khác nhau nhưng đã cho khán giả quốc tế cái nhìn trực diện về sự kiện này, cũng như biết rõ mức độ tàn ác của chính quyền Chun Doo Hwan.
26 năm (2012) của Cho Geun Hyun trình hiện cho khán giả một góc nhìn khác, khi đặt bối cảnh phim có độ lùi 26 năm sau vụ thảm sát, dựa trên bộ truyện tranh mạng của tác giả có bút danh Kang Full. Một tên xã hội đen, một nữ vận động viên bắn súng đội tuyển quốc gia, một cảnh sát có điểm chung là chịu nỗi đau mất mát người thân trong vụ thảm sát Gwangju.
Cùng nhau, họ lên kế hoạch lật lại quá khứ, tìm ra kẻ chủ mưu và bắt hắn phải chịu trách nhiệm trước tội ác của mình.
Gần đây nhất là bộ phim A Taxi Driver (2017) của Jang Hoon với sự tham gia diễn xuất của gương mặt vàng Song Kang Ho trong vai bác tài taxi Seoul chở một phóng viên người Đức (do Thomas Kretschmann thủ vai) đến Gwangju để ghi hình những người dân đang chống lại quân đội. Đáng chú ý, bộ phim dựa trên ký ức của phóng viên Jürgen Hinzpeter (1937 - 2016), một trong số hiếm hoi những phóng viên nước ngoài có mặt ở thành phố Gwangju bấy giờ.
Sự hiện diện của ông, cũng như những thước phim tài liệu quý giá đã cho thấy tinh thần quật cường của người dân Gwangju cũng như vạch trần tội ác của Chun Doo Hwan. Bộ phim đại diện Hàn Quốc tranh giải Oscar 90, hạng mục phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
Có một chi tiết trong phim có phần sai lệch so với thực tế. Trong phim A Taxi Driver người tài xế vô danh sau khi đưa phóng viên người Đức cùng bộ phim tài liệu ra khỏi Gwangju, khi được hỏi tên để sau này có thể liên lạc, ông đã khai tên giả là Kim Man Seob.
Chuyện này gây khó khăn cho Hinzpeter khi muốn tìm lại người hùng thầm lặng năm xưa. Mãi đến khi bộ phim ra đời, vẫn không ai biết danh tính thực sự của tài xế Kim, cho nên tiểu sử quanh ông được khắc họa trong phim đều là hư cấu.
Danh tính thật của ông được công khai sau bộ phim A Taxi Driver, ông tên thật là Kim Sa Bok, đã qua đời vào năm 1984. Con trai ông kể lại với truyền thông, cha ông đã không bao giờ thật sự thoát khỏi những sự kiện ám ảnh ở Gwangju, ông thường xuyên uống rượu và chết vì ung thư gan, ông thường tự hỏi tại sao con người có thế đối xử với nhau phi nhân tính như vậy.
“Bản chất của người”
Cùng đeo đẳng câu hỏi đó bên mình, nhà văn Han Kang cố tự tìm đáp án bằng cách viết lên cuốn tiểu thuyết Bản chất của người (Kim Ngân dịch, Nhã Nam và NXB. Hà Nội, 2019). Xuất bản ở Hàn Quốc năm 2014, rất lâu sau vụ thảm sát ở Gwangju, Han Kang nói đây là “tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu”.
Năm 2017, Lễ hội văn học châu Á lần thứ nhất diễn ra ở Gwangju. Địa điểm diễn ra Lễ hội chính là nơi năm xưa đã xảy ra vụ thảm sát cuối cùng khi quân đội bắt đầu giành lại quyền kiểm soát thành phố vào sáng sớm 27.5.1980. Trong bài phát biểu khai mạc, nhà văn Nigeria đoạt giải Nobel 1986 Wole Soyinka đã nhấn mạnh rằng nhân loại ngày nay phải đối mặt với sự lựa chọn quan trọng giữa tự do và trì trệ.
Ông kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng một nền “Văn hóa hòa bình” mới, ràng buộc “tất cả các dân tộc với nhau từ châu Phi đến Triều Tiên và trên toàn thế giới”. Tại Gwangju, lần nữa ông khẳng định: “Thơ ca là phản đề của sức mạnh và phủ định ranh giới, không chỉ là ranh giới vật lý mà là biên giới của tư tưởng và trí tưởng tượng đi ngược lại với định hướng của con người chúng ta. Vượt biên giới là điều kiện của những nhà thám hiểm thực thụ”.
Trong tác phẩm Bản chất của người, Han Kang hóa thân thành những chứng nhân trực tiếp của vụ thảm sát, từ một phụ nữ bị hành hạ, tra tấn đến mức không có khả năng sinh con cho đến một hồn ma vừa chết dưới họng súng của cảnh sát. Qua Bản chất của người, ta có thể thấy phong trào dân chủ Gwangju đã thay đổi hoàn toàn xã hội Hàn Quốc từ tận gốc rễ. Khiến cho hậu thế mãi băn khoăn về căn tính của dân tộc mình.
Năm sau là tròn 40 năm diễn ra Phong trào dân chủ Gwangju, những cuộc tưởng niệm nạn nhân của vụ thảm sát vẫn diễn ra như một lời nhắc nhở không được phép để bắt cứ thế lực độc tài nào đe dọa nền dân chủ được đánh đổi bằng máu.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguon-cam-hung-tu-phong-trao-gwangju-21999.html