Nguồn cơn cuộc xung đột và viễn cảnh hòa bình ở Nagorno-Karabakh
Chỉ 1 ngày sau Azerbaijan mở cuộc tấn công vào khu vực Nagorno-Karabakh, lực lượng ly khai dân tộc Armenia tại nơi đây đã đầu hàng. Sau diễn biến này, liệu hòa bình có thực sự đến với vùng đất được ví như 'thùng thuốc súng' ở Nam Cacausus?
Lịch sử đầy chia rẽ của Nagorno-Karabakh
Nagorno-Karabakh, được người Armenia gọi là Artsakh, là một vùng đất không giáp biển nằm trong biên giới của Azerbaijan. Nó được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng lại là nơi sinh sống của khoảng 120.000 người dân tộc Armenia, những người chiếm phần lớn dân số và phản đối sự cầm quyền của Azerbaijan.
Khu vực này có chính quyền riêng được Armenia hậu thuẫn nhưng không được Armenia hay bất kỳ quốc gia nào khác chính thức công nhận. Dưới thời Liên Xô cũ, trong đó Azerbaijan và Armenia đều là những nước cộng hòa thành viên, Nagorno-Karabakh trở thành một khu tự trị trong nước Cộng hòa Azerbaijan vào năm 1923.
Vào năm 1988, các lãnh đạo Nagorno-Karabakh đã thông qua một nghị quyết tuyên bố ý định gia nhập Cộng hòa Armenia và một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức, trong đó đa số bỏ phiếu ủng hộ độc lập, song lại bị người dân tộc Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh tẩy chay.
Dù vậy, yêu cầu thống nhất với Armenia ban đầu diễn ra tương đối hòa bình. Chỉ tới khi Liên Xô tan rã, nó dần dần phát triển thành một vùng xung đột ngày càng bạo lực giữa người Armenia và người Azerbaijan, khiến giao tranh nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng ly khai được Armenia hậu thuẫn, dẫn tới Chiến tranh Karabakh lần thứ nhất.
Cuộc xung đột đã gây ra cái chết của 20.000 đến 30.000 nghìn người (tùy theo thống kê của mỗi bên) và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn. Đến tháng 5 năm 1994, người dân tộc Armenia đã kiểm soát 14% lãnh thổ Nagorno-Karabakh.
Ở giai đoạn đó, lần đầu tiên trong cuộc xung đột, chính quyền Azerbaijan đã công nhận Nagorno-Karabakh là bên thứ ba trong cuộc chiến và bắt đầu đàm phán trực tiếp với chính quyền Karabakh. Kết quả là, một lệnh ngừng bắn đã đạt được vào ngày 12/5/1994 thông qua sự trung gian của Nga.
Tuy nhiên, Azerbaijan luôn đau đáu mong muốn thu hồi vùng lãnh thổ này. Sau nhiều năm xung đột lẻ tẻ giữa hai bên, Chiến tranh Karabakh lần thứ hai bắt đầu vào năm 2020. Azerbaijan, được sự hậu thuẫn của đồng minh lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, đã giành chiến thắng chỉ sau 44 ngày, giành lại 7 quận và khoảng 1/3 diện tích Nagorno-Karabakh từ tay các lực lượng Armenia.
Chiến tranh kết thúc sau khi Nga, một đồng minh lâu năm của Armenia nhưng có mối quan hệ ngày càng tăng với Azerbaijan, làm trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Thỏa thuận do Moscow làm trung gian đã cung cấp khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga để triển khai đến khu vực nhằm ngăn chặn các hành động xâm lấn tiếp theo của Azerbaijan và bảo vệ hành lang Lachin, con đường duy nhất nối vùng đất này với Armenia.
Cuộc chiến cuối cùng?
Ý định tấn công của Azerbaijan đã được bộc lộ từ tháng 12/2022, khi họ thiết lập một trạm kiểm soát quân sự dọc hành lang Lachin, ngăn chặn việc nhập khẩu thực phẩm và làm dấy lên lo ngại rằng người dân Nagorno-Karabakh sẽ bị bỏ đói.
Trong những ngày trước cuộc tấn công vào Stepanakert, thủ đô của Karabakh, được Azerbaijan gọi là Khankendi, Bộ Ngoại giao Karabakh cảnh báo rằng “phía Azerbaijan đã tiến hành chuyển quân hàng ngày và dự trữ nhiều loại vũ khí… chuẩn bị mặt bằng cho cuộc xâm chiếm quy mô lớn”.
Bất chấp nguy cơ hiện hữu như vậy, cuộc tấn công của Azerbaijan hôm thứ Ba (19/9) vẫn diễn ra bất ngờ. Giải thích cho cuộc tấn công của mình vào Stepanakert, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết một phương tiện của Azerbaijan đã tông vào một quả mìn được gài ở các khu vực đã được rà phá bom mìn trước đó, khiến hai thường dân thiệt mạng.
Nhưng khác với cuộc chiến năm 2020, lần này, sức phản kháng của các lực lượng người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh là cực kỳ yếu ớt. Chỉ 1 ngày sau khi hứng chịu hỏa lực của đối phương, họ đã đầu hàng. Một lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào lúc 1 giờ chiều giờ địa phương hôm thứ Tư (20/9), sau khi chính quyền Karabakh đồng ý “giải tán và giải giáp hoàn toàn các lực lượng vũ trang”.
Đoạn video được truyền thông Azerbaijan công bố cho thấy phái đoàn từ Nagorno-Karabakh, mà báo giới Azerbaijan gọi là “Cộng hòa Artsakh tự phong” được sự hộ tống của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, đã lái xe đến thành phố Yevlakh của Azerbaijan gặp phái đoàn Azerbaijan do Nghị sĩ Azerbaijan Ramin Mammadov dẫn đầu.
Hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 thập kỷ chưa bao giờ rõ ràng như bây giờ, một phần cũng bởi quan điểm “buông bỏ” của Armenia. Armenia cho biết họ không phải là một bên tham gia lệnh ngừng bắn hoặc đàm phán có thể xem như sự từ bỏ sự liên quan với Nagorno-Karabakh, một hệ quả của thất bại trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày với Azerbaijan vào năm 2020.
Hàng nghìn người biểu tình Armenia đã tập trung tại thủ đô Yerevan để chỉ trích việc chính quyền của Thủ tướng Nikol Pashinyan đã không hỗ trợ phe ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh. Nhưng giới quan sát tin rằng, điều này không làm thay đổi được quan điểm của Chính phủ Armenia.
Sau khi cuộc chiến năm 2020 phơi bày sự yếu kém về quân sự của Armenia, Thủ tướng nước này, Nikol Pashinyan đã thừa nhận hồi tháng 4 năm nay rằng chính quyền của ông sẵn sàng từ bỏ các yêu sách của mình đối với khu vực. Ông Pashinyan cho rằng “hòa bình chỉ có thể thực hiện được” nếu Armenia giới hạn tham vọng lãnh thổ của mình trong phạm vi biên giới của CHXHCN Xô viết Armenia cũ - tức là không bao gồm Nagorno-Karabakh.
Hòa bình phụ thuộc vào ai?
Theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn hôm thứ Tư, Nagorno-Karabakh đã giải tán quân đội của mình, trong khi Armenia tiếp tục khẳng định rằng họ không có sự hiện diện quân sự của riêng mình trong khu vực. Cùng với những phát biểu chính thức từ chính quyền Thủ tướng Nikol Pashinyan, có thể tin rằng Armenia sẽ không có bất cứ động thái nào làm phức tạp tình hình.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng Armenia không quan tâm đến số phận của những người đồng bào đang sống tại Nagorno-Karabakh. Trong một diễn đàn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Armenia, Ararat Mirzoyan, nói rằng “120.000 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu” khi cảnh báo về nguy cơ Azerbaijan thanh lọc sắc tộc.
Những phát biểu này cũng được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga - nước có ảnh hưởng lớn tới những quốc gia vùng Nam Cacausus, lắng nghe. Theo báo Guardian, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev hôm qua, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh và quyền lợi của người dân tộc Armenia ở khu vực ly khai.
Liên minh châu Âu cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đến sự an toàn của cộng đồng người Armenia tại Nagorno-Karabakh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Charles Michel, trong phát biểu mới nhất đã đề nghị Tổng thống Aliyev bảo vệ quyền của người dân tộc Armenia trong khu vực và “đảm bảo lệnh ngừng bắn hoàn toàn cũng như sự đối xử an toàn, đàng hoàng của Azerbaijan đối với người Armenia ở Karabakh”.
“Nhân quyền và an ninh của họ cần được đảm bảo. Cần có khả năng tiếp cận để hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức”, ông Charles Michel viết trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội X của mình.