Nguồn cơn Mercedes-Benz đầu tư hàng tỉ USD vào các nhà máy sản xuất ô tô điện
Mercedes-Benz sẽ đầu tư hàng tỉ USD để hiện đại hóa các nhà máy của mình ở Trung Quốc, Đức và Hungary trong những năm tới, Tạp chí Automobilwoche đưa tin.
Động thái này diễn ra khi nhà sản xuất ô tô nổi tiếng Đức chuẩn bị chuyển sang xe điện và cắt giảm khí thải.
Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải CO2 trên mỗi ô tô chở khách trong vòng đời của chúng vào cuối thập kỷ này so với năm 2020 và đang tìm kiếm thỏa thuận về thời hạn cuối cùng là năm 2035 để chấm dứt việc bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Mercedes-Benz tuyên bố sẽ sẵn sàng chuyển sang sử dụng điện vào cuối thập kỷ này nếu điều kiện thị trường cho phép.
Joerg Burzer, Giám đốc sản xuất Mercedes-Benz, cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư một khoản tiền hàng trăm triệu USD cho mỗi nhà máy để chuẩn bị”. Ông nói thêm rằng những khoản đầu tư này sẽ được thực hiện tại các nhà máy ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), thành phố Rastatt (Đức) và Kecskemet (Hungary).
Mercedes-Benz sẽ bắt đầu làm việc tại nhà máy Rastatt trong những tháng tới và sẽ sản xuất mẫu ô tô đầu tiên của nền tảng xe nhỏ gọn MMA từ năm 2024. Số lượng mẫu ô tô được sản xuất ở nhà máy này sẽ giảm từ 7 xuống còn 4, Joerg Burzer nói.
Ngoài ra, Mercedes-Benz sẽ đầu tư một khoản từ 1 đến 3 tỉ USD vào việc hiện đại hóa hệ thống sơn tại các nhà máy Sindelfingen, Bremen và Rastatt ở Đức.
Tạp chí Automobilwoche cho biết việc hiện đại hóa này nhằm cắt giảm tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm sự phụ thuộc của hệ thống sơn vào khí đốt, trái ngược với năng lượng không có carbon.
Mercedes-Benz cũng đang xem xét mở rộng nhà máy tại thành phố Tuscaloosa (Mỹ), nơi hãng có thể hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính phủ theo Đạo luật Giảm lạm phát năm ngoái, theo Automobilwoche.
Joerg Burzer nói Mercedes-Benz đã sẵn sàng đáp ứng bất kỳ thay đổi nào nữa trong môi trường pháp lý. “Các điều kiện kinh doanh trên toàn thế giới thay đổi liên tục. Chúng tôi có thể phải phản ứng với điều đó”, ông chia sẻ.
Mercedes-Benz đã phát triển và sản xuất nhiều mẫu ô tô điện, trong đó có các dòng xe điện thương mại và xe hạng sang, chẳng hạn Mercedes-Benz EQC, Mercedes-Benz EQA, Mercedes-Benz EQB và Mercedes-Benz EQS. Các mẫu ô tô điện của Mercedes-Benz được trang bị các công nghệ tiên tiến và tính năng độc đáo, giúp mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng.
Tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022 hồi tháng 10, Mercedes-Benz Việt Nam ra mắt EQS - dòng ô tô điện thuộc phân khúc sedan hạng sang đầu bảng của thương hiệu với mức giá bán từ 4,8 tỉ đồng.
Đây là mẫu ô tô điện đầu tiên trong dòng Mercedes-EQS được trình làng tại Việt Nam với hai phiên bản EQS 450+ và EQS 580 4MATIC có mức giá lần lượt là 4,839 tỉ đồng và 5,959 tỉ đồng.
Những điểm nhấn đáng chú ý trên hai mẫu xe này phải kể tới hệ thống thông tin giải trí MBUX Hyperscreen hoàn toàn mới trải dài hết chiều rộng khoang lái với kích thước 56 inch. Trung tâm điều khiển này là sự kết hợp của 3 màn hình với nhau: Màn hình người lái (12,3 inch), màn hình trung tâm OLED (17,7 inch) và màn hình OLED cho hành khách phía trước (12,3 inch); hệ thống treo khí AIRMATIC với hệ thống giảm chấn thích ứng Adaptive Damping System...
Gói trang bị mở rộng tính năng giải trí và thư giãn Energizing Comfort được trang bị trên EQS giúp chăm sóc sức khỏe và nâng cao sự thoải mái của tài xế, đồng thời giảm buồn ngủ và căng thẳng; hệ thống âm thanh vòm Burmester 3D với 15 loa hiệu năng cao cùng 2 tùy chọn giả lập âm thanh động cơ - Silver Waves và Vivid Flux; hệ thống lọc khí Energizing Air Control Plus, với bộ lọc Hepa 3 tầng.
Cả 2 phiên bản của EQS đều có phạm vi hoạt động ấn tượng trong một lần sạc (642 - 783km với mẫu EQS 450+ và 581 - 692km với EQS 580 4MATIC), đi kèm khả năng sạc từ 10% lên 80% trong 31 phút nếu sử dụng bộ sạc nhanh DC, hoặc có thể được sạc đầy trong 10 giờ nếu dùng bộ sạc AC Mode 3 tiêu chuẩn 11 kW (điện 3 pha).
Trong đó, phiên bản EQS 450+ sở hữu một động cơ điện ở phía trước, giúp sản sinh công suất 329 mã lực và 565 Nm mô-men xoắn cực đại, cho phép xe có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong 6,2 giây.
Với phiên bản EQS 580 4MATIC, hai động cơ điện ở hai phía cùng với hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian 4MATIC giúp tạo mức công suất cực đại tổng thể lên đến 516 mã lực, mô-men xoắn cực đại 858 Nm, nhờ đó xe có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong 4,3 giây. Phiên bản này nặng khoảng 2,6 tấn nhưng vẫn có khả năng vận hành trơn tru nhờ động cơ mạnh mẽ cũng như được trang bị thêm một số chi tiết giúp vào cua nhanh hơn.
Hôm 16.2, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu, trong đó yêu cầu từ năm 2035, các loại ô tô mới sản xuất được bán ở thị trường châu Âu phải đảm bảo không phát thải khí CO2. Việc này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ ộ tô sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện, thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhưng có thể tác động mạnh tới ngành công nghiệp ô tô của toàn EU.
Theo quy định, đến năm 2030, khí thải từ những ô tô mới được bán tại thị trường EU phải giảm 55% so với mức của năm 2021. Đến năm 2035, tỷ lệ này phải giảm 100%. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng ô tô sẽ không được bán xe mới sản xuất chạy bằng xăng, dầu diesel tại 27 nước thành viên EU.
Quy định trên cũng nâng mục tiêu giảm khí thải từ các loại ô tô mới đến năm 2030, bởi trước đó các nhà sản xuất ô tô chỉ được yêu cầu cắt giảm 37,5% lượng khí thải với xe cỡ nhỏ, 50% với xe tải. Các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch được bán trước thời điểm năm 2035 vẫn có thể lưu hành theo vòng đời quy định. Theo dự kiến, quy định mới sẽ có hiệu lực sau khi được Hội đồng châu Âu phê duyệt trong tháng 3.2023.
Về quy định hạn chế khí thải với các loại ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở EU, một số người cho rằng ngành công nghiệp ô tô EU chưa sẵn sàng cắt giảm mạnh sản lượng xe sử dụng động cơ đốt trong và hàng trăm ngàn việc làm của người lao động sẽ đối mặt với rủi ro.
Hôm 14.2, hãng Ford cho biết sẽ cắt giảm khoảng 3.800 việc làm trên khắp châu Âu, công nhân tại Anh và Đức là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất.