Nguồn cung đường toàn cầu dự báo thiếu hụt

Thời tiết khô hạn và các vụ cháy thiêu rụi hàng chục ngàn hecta mía ở Brazil sẽ khiến thị trường đường toàn cầu thiếu hụt gần 2 triệu tấn so với nhu cầu trong mùa vụ hiện tại, theo dự báo của Sucden (Pháp), một trong những công ty kinh doanh đường lớn nhất thế giới.

Một nông dân bất lực đứng nhìn đám cháy thiêu rụi cánh đồng mía ở bang Sao Paulo, Brazil hồi tháng Tám. Ảnh: Reuters

Một nông dân bất lực đứng nhìn đám cháy thiêu rụi cánh đồng mía ở bang Sao Paulo, Brazil hồi tháng Tám. Ảnh: Reuters

Báo cáo công bố trong tuần này của Sucden cho biết, do hạn hạn nghiêm trọng và hàng loạt vụ cháy, nguồn cung đường thô từ vùng Trung Nam của Brazil trong quí 4 -2024 và quí 1-2025 dự kiến giảm 40% so với cách đây một năm.

Báo cáo lưu ý thêm, ở vùng bắc bán cầu, sản lượng củ cải đường và mía tăng lên nhờ thời tiết thuận lợi và đà tăng giá đường trong năm 2023. Dù vậy, sự cải thiện này không đủ bù đắp cho sản lượng đường dự báo suy giảm ở Brazil.

Hồi cuối tháng Tám, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo, thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 sẽ thiếu hụt 3,58 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với mức thiếu hụt 200.000 tấn trong niên vụ 2023-2024. ISO cũng dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ hiện tại chỉ đạt 179,3 triệu tấn, giảm 1,1% so với niên vụ trước.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho đường toàn cầu vào cuối niên vụ 2024-2025 sẽ giảm 4,7%, xuống mức thấp nhất trong 13 năm là 38,3 triệu tấn.

Các cánh đồng mía của Brazil bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và hàng loạt vụ cháy trong thời gian gần đây. Do vậy, lượng mưa trong những tháng tới sẽ rất quan trọng để xác định tiềm năng sản lượng đường của nước này.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Brazil, có tới 2.000 vụ cháy ảnh hưởng tới 80.000 hecta mía ở bang Sao Paulo. Hãng nghiên cứ thị trường Green Pool Commodities ước tính, Braizil tổn thất khoảng 5 triệu tấn mía do các vụ cháy.
Ngân hàng nông nghiệp Rabobank của Hà Lan giảm dự báo sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2024-2025 xuống 39,3 triệu tấn từ mức dự kiến trước đó là 40,3 triệu tấn. Ngân hàng này giải thích lý do giảm dự báo là do tình trạng khô hạn quá mức.

Hợp đồng đường thô tương lai giao dịch trên các sàn giao dịch ở London và New York đạt mức cao nhất 6 tháng vào tháng trước trong bối cảnh lo ngại tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở Brazil. Giá đường tăng mạnh là lý do chính khiến chỉ số thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) bật lên mức cao nhất hơn 2 năm vào tháng Chín.

Sucden cho biết thêm, đây là cơ hội để Ấn Độ, nhà sản xuất đường số hai thế giới giải cứu thị trường và phục hồi xuất khẩu.

Quốc gia đông dân nhất thế giới hạn chế xuất khẩu mặt hàng này kể từ tháng 10-2023 để duy trì đủ nguồn cung trong nước. Cuối năm ngoái, Ấn Độ yêu cầu các nhà máy đường ngừng sử dụng mía để sản xuất ethanol cho niên vụ 2023-2024 nhằm tăng dự trữ đường. Nhưng cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Thực phẩm Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế sản xuất ethanol trong niên vụ 2024-2025 bắt đầu từ tháng 11. Điều này có thể kéo dài thời hạn hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ.

Gần đây, Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng sinh học và đường Ấn Độ (ISM) kêu gọi chính phủ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hiện tại vì sản lượng đường của Ấn Độ dự kiến tăng lên trong mùa vụ tới nhờ lượng mưa dồi dào.

Đà tăng mạnh của giá dầu thô trong hai tuần qua do căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng đang hỗ trợ giá đường. Giá dầu thô cao hơn có thể thúc đẩy các nhà máy đường trên thế giới chuyển hướng sang ép mía để sản xuất nhiên liệu ethanol thay vì đường, do đó hạn chế nguồn cung đường.

Tuy nhiên, triển vọng sản lượng tăng ở Thái Lan, nhà sản xuất đường lớn thứ ba thế giới, là yếu tố có thể kìm hãm đà tăng của giá đường. Văn phòng Ủy ban mía đường Thái Lan dự báo, sản lượng đường niên vụ 2024-2025 của Thái Lan sẽ tăng hàng năm 18%, lên 10,35 triệu tấn.

Theo Reuters, Nasdaq

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguon-cung-duong-toan-cau-du-bao-thieu-hut/