Nguồn cung toàn cầu thiếu hụt, giá đường sẽ còn nhiều biến động

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu nhìn chung còn đang thiếu hụt, sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường và tác động trực tiếp lên diễn biến giá trong thời gian tới.

Hiện giá đường trong nước khá ổn định và dao động trong khoảng 20.500 - 22.200 đồng/kg. Ảnh tư liệu

Hiện giá đường trong nước khá ổn định và dao động trong khoảng 20.500 - 22.200 đồng/kg. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường đường trong nước và thế giới từ đầu năm đến nay?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng từ đầu năm đến nay, giá đường thế giới, bao gồm đường thô và đường trắng, biến động tương đối lớn. Trong đó, theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), hai tháng đầu năm nay, giá đường thô (đường 11) trên Sở Giao dịch Liên lục địa Mỹ (ICE-US) tăng 17% nhưng sau đó giảm liên tục trong 3 tháng, về mức thấp nhất trong gần hai năm, ở mức 396,83 USD/tấn.

Tháng 6 vừa qua, giá đường thô bắt đầu trở lại xu hướng phục hồi. Tính đến ngày 8/7, giá mặt hàng này lên mức 414,91 USD/tấn, tăng 15% so với đáy hồi giữa tháng 5, về mức giá đầu năm nhưng vẫn thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Giá đường trắng trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) cũng có nhiều nhịp biến động khá tương đồng với đường thô. Đầu tháng 7, giá mặt hàng này đang giao dịch ở mức trên 560 USD/tấn, gần như không đổi với thời điểm đầu năm và thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%

Ngân hàng Thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%, bởi sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/2024.

Trên thị trường nội địa, 6 tháng đầu năm nay, giá đường khá ổn định và phần lớn vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước, dao động trong khoảng 20.500 - 22.200 đồng/kg. Hiện nay, giá đường trong nước vẫn đang cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá đường Thái Lan tiểu ngạch vào Việt Nam đang cạnh tranh với giá đường nội địa khi được chào bán ở mức thấp hơn, trong khoảng 20.100 - 20.300 đồng/kg.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng qua?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Nguyên nhân hàng đầu khiến cho giá đường thế giới biến động mạnh trong thời gian qua, theo tôi đến từ sự thay đổi nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính. Sự đan xen các thông tin có tác động tích cực và tiêu cực khiến giá liên tục điều chỉnh.

Ví dụ như trong khoảng hơn hai tháng đầu năm nay, hàng loạt các tổ chức và doanh nghiệp lớn trên thế giới đồng loạt dự báo sản lượng đường toàn cầu sẽ thâm hụt. Cụ thể, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) nâng ước tính thâm hụt đường toàn cầu vụ 2023-2024 lên 689.000 tấn, so với mức 335.000 tấn trước đó. Ngay sau đó, công ty BP Bunge Bioenergia cũng dự đoán sản lượng đường thế giới vụ 2024-2025 sẽ thâm hụt 1,6 triệu tấn. Cùng thời điểm, Công ty Green Pool dự báo, sản lượng đường toàn cầu sẽ thâm hụt 788.000 tấn trong niên vụ 2024-2025. Những thông tin này đã làm giá đường thế giới tăng trong hai tháng đầu năm.

Tuy nhiên, cuối quý I và sang quý II, tình hình mùa vụ tại các quốc gia sản xuất chính có cải thiện, kéo theo nguồn cung toàn cầu ổn định hơn đã khiến giá đường hình thành xu hướng giảm.

Tại Brazil, Chính phủ nước này cho biết, trong tháng 6 vừa qua, quốc gia này xuất đi 3,2 triệu tấn đường, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil cũng dự báo, sản lượng đường vụ 2024-2025 của quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới đạt mức cao kỷ lục với 46,29 triệu tấn, tăng 1,3% so với vụ trước.

Thêm vào đó, mùa vụ đường mới tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới cũng cải thiện, góp phần gây sức ép lên giá. Quý II, lượng mưa tích cực đã thúc đẩy triển vọng nguồn cung tại quốc gia này. Hiệp hội các nhà sản xuất đường và năng lượng sinh học Ấn Độ (ISM) đã nâng dự báo sản lượng đường niên vụ 2023-2024 của nước này lên 9,1 triệu tấn, với mức thặng dư đạt 3,6 triệu tấn. Đồng thời, ISM cũng kêu gọi Chính phủ xem xét lại việc cho phép xuất khẩu lượng đường dư thừa.

Tại thị trường nội địa, các biện pháp phòng vệ thương mại đường mía nhập khẩu và sự phục hồi vùng nguyên liệu mía đường đã bảo vệ giá đường nước ta trước những biến động của thị trường quốc tế.

PV: Dự báo giá đường trong nước và thế giới quý III/2024 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu nhìn chung còn đang thiếu hụt, tôi cho rằng đây sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường và tác động trực tiếp lên diễn biến giá trong thời gian tới.

Do đó, theo tôi, trong quý III, giá đường thế giới sẽ còn nhiều biến động. Cụ thể, giá đường thô trên Sở ICE - US và giá đường trắng trên Sở ICE - EU sẽ tiếp đà phục hồi trong ngắn hạn khi Petrobras tại Brazil mới thông báo sẽ tăng giá bán xăng tại các nhà máy lọc dầu thêm 7%. Việc giá xăng tại quốc gia này đắt đỏ hơn sẽ thúc đẩy hoạt động ép mía cho chiết suất Ethanol thay vì sản xuất đường. Như vậy, sản lượng đường tạm thời có sự thu hẹp so với bình thường.

Trong khi đó, sự cải thiện mùa vụ tại Ấn Độ và những kiến nghị mở lại hoạt động xuất khẩu sẽ hạn chế lại phần nào đà tăng của giá. Đặc biệt, nếu hoạt động xuất khẩu đường chính ngạch của Ấn Độ được thông qua, giá có thể giảm mạnh nhưng chưa thể phá đáy gần hai năm như hồi tháng 5.

Trên thị trường nội địa, do ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố cung - cầu trên thế giới, giá đường khả năng cao vẫn neo quanh vùng giá 20.000 đồng/kg.

PV: Xin cảm ơn ông!

Diện tích và sản lượng mía Việt Nam tăng trở lại

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ đông xuân và vào vụ ép mía 2023 - 2024. Theo báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động, dự kiến sản lượng niên vụ năm 2023 - 2024 sẽ gia tăng đáng kể so với niên vụ trước đó.

Cụ thể, diện tích mía thu hoạch sẽ lên mức 159.159 ha, tăng 12% so với cùng kỳ, sản lượng mía chế biến lên đến hơn 10,9 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ, sản lượng đường các loại sẽ tiến lên mốc trên 1 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ.

Trong 2 vụ mía trước đó là 2021-2022 và 2022-2023, cả diện tích và sản lượng mía đều đã tăng trở lại. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp là do giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện đã lên đến mức 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn.

Mức giá tăng giúp đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân. Từ đó, diện tích trồng mía không ngừng gia tăng trong hơn 2 năm qua, kể từ khi các biện pháp phòng vệ thương mại mà Nhà nước Việt Nam áp dụng năm 2021 cho đến nay. Đặc biệt, áp thuế chống bán phá giá với đường mía tới từ Thái Lan, nước xuất khẩu chính vào Việt Nam, lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu vào nước ta đã có sự sụt giảm rõ rệt./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nguon-cung-toan-cau-thieu-hut-gia-duong-se-con-nhieu-bien-dong-154802.html