Nguồn cung uranium của Pháp đang bị đe dọa?
Cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở Niger, nơi tập đoàn cung cấp nhiên liệu hạt nhân Orano của Pháp đang vận hành một mỏ uranium, nhằm duy trì sự đa dạng hóa cần thiết của nguồn cung uranium cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.
Vào cuối tuần vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris "sẽ không tha thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Pháp và tài sản của họ" tại đất nước đang bị nhấn chìm trong bất ổn, kể từ lúc xảy ra cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Về mặt “tài sản” kinh tế, chỉ có vài công ty Pháp đang hiện diện ở Niger, trong đó có tập đoàn Orano (tên cũ là Areva) - doanh nghiệp chịu trách nhiệm khai thác mỏ uranium ở miền bắc Niger.
Vào hôm 27/7, tập đoàn chuyên về chu trình nhiên liệu hạt nhân này cho biết sẽ theo dõi tình hình rất chặt chẽ, đồng thời ra sức trấn an người dân. Hiện Orano có 900 nhân viên đang làm việc tại Niger, chủ yếu là người địa phương.
Trao đổi với AFP, tập đoàn nói: "Tình hình khủng hoảng hiện nay không gây tác động ngắn hạn đến khả năng cung ứng nhiên liệu cho Pháp và các khách hàng quốc tế”, vì Orano có năng lực “sản xuất và nhiều dự án đang được phát triển tại 4 châu lục".
Theo Orano và Chính phủ Pháp, Niger chỉ chiếm một phần nhỏ tỷ trọng sản lượng uranium tự nhiên được khai thác trên toàn thế giới: 4,7%. Như vậy, theo số liệu năm 2021 do Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom - ESA) công bố, Niger thua xa Kazakhstan (45,2%) - nước khai thác nhiều uranium nhất trên thế giới.
Dù vậy, Niger vẫn là nhà cung cấp quan trọng cho Lục địa già và Pháp, góp phần cung ứng nhiên liệu cho khoảng 103 lò phản ứng đang hoạt động tại 13 quốc gia châu Âu, một nửa trong số đó là ở Pháp (56 lò).
Vào năm 2022, "Niger là nước cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ hai của EU, với tỷ lệ 25,38%", theo dữ liệu Euratom tiết lộ với AFP. Tổng cộng, Kazakhstan, Niger và Canada chiếm 74,19% sản lượng uranium nhập khẩu vào EU.
Theo dữ liệu từ Euratom, từ năm 2005 đến năm 2020, Niger là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ ba của Pháp, chiếm 19% nguồn cung của nước này, chỉ sau Kazakhstan và Úc.
Ông Alain Antil - Giám đốc Trung tâm châu Phi cận Sahara của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nhận xét với AFP: Về mặt khai thác uranium, Niger "không còn là đối tác chiến lược của Paris như trong những năm 1960-1970".
"Tình hình ở Niger không gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với an ninh nguồn cung uranium tự nhiên của Pháp", trích lời Bộ Chuyển giao Năng lượng Pháp nói với AFP. Họ cũng nhấn mạnh rằng Pháp có nhiều nguồn đa dạng để nhập khẩu uranium.
Ông Teva Meyer - Chuyên gia nghiên cứu về hạt nhân dân sự tại Đại học Haute Alsace, nhấn mạnh: EDF - doanh nghiệp điều hành điện hạt nhân của Pháp "đã có 10 năm kinh nghiệm theo đuổi chiến lược đa dạng hóa" và "chuyển hướng đến những quốc gia Trung Á như Uzbekistan, Kazakhstan, và Úc".
Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã cho biết nước này có nguồn cung "cực kỳ đa dạng".
Đa dạng hóa vật liệu hạt nhân cũng là một trong những khuyến nghị lâu dài của Euratom. Thật vậy, trong báo cáo xuất bản vào tháng 8/2022, họ viết: "Những biến động về kinh tế và chính trị vào năm 2021 và đầu năm 2022, tiêu biểu là cuộc chiến ở Ukraine do một nước có vai trò quan trọng trong khai thác uranium như Nga khơi mào, đã làm nổi bật tính liên quan và cấp bách của những khuyến nghị này”. Euratom cũng lưu ý rằng EU có nguồn cung “nhìn chung rất đa dạng".
Ngoài tính đa dạng hóa của nguồn cung về mặt địa lý, Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp còn cho rằng EDF đã "quản lý tồn kho từ nhiều năm nay và đang phát triển cách thức tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng".
Ông Nicolas Goldberg - Chuyên gia về năng lượng tại Văn phòng tư vấn Colombus Consulting, nhấn mạnh: “Họ đã trữ nhiên liệu được làm giàu trong lãnh thổ của mình từ 3 năm qua, nên không có rủi ro về nguồn cung”.
Để lý giải việc tồn trữ uranium, ông Teva Meyer giải thích: "Nguồn cung uranium không dễ bị căng thẳng. Từ lúc khai thác đến khi được sử dụng trong một nhà máy điện, uranium có thể đã có thêm nhiều năm tuổi vì nó phải trải qua nhiều giai đoạn biến đổi". Thật vậy, uranium tự nhiên thực sự phải được tinh chế, chuyển đổi và làm giàu thì mới đóng vai trò hiệu quả.
Ông cho biết thêm, cả Pháp và châu Âu đều có “kho dự trữ chiến lược” đủ dùng trong khoảng “2 năm”.
Ông Mycle Schneider - Điều phối viên cho Báo cáo tình trạng nền công nghiệp hạt nhân thế giới (World Nuclear Industry Status Report), nhận xét: “Chắc chắn sẽ không có khủng hoảng trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì khó nói hơn”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nguon-cung-uranium-cua-phap-dang-bi-de-doa-690936.html