Nguồn cung xăng, dầu không thiếu nhưng bán ra thị trường lại khó khăn
Ngày 22-10, tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong khuôn khổ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Phòng) nhận định, nguồn cung xăng, dầu không thiếu nhưng bán ra thị trường lại khó khăn do giá nhập cao nhưng bán thấp và hàng loạt chi phí định mức lỗi thời, lạc hậu...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp liên tục giảm, nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ.
Về nguồn cung xăng, dầu, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu. Dư luận cho rằng, thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác.
“Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết. Chúng ta đã có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10-2022, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến giữa tháng 11-2022”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng bán trong kỳ với giá thấp, đương nhiên là lỗ.
Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức đã lỗi thời, lạc hậu, từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, tư nhân phân phối...
Về xảy ra việc đóng cửa cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Các cơ quan chức năng "đánh" mạnh về xăng dầu giả, siết chặt xăng, dầu lậu; trong khi xăng, dầu chính thống giá biến động liên tục, chiết khấu thấp, doanh nghiệp phân phối lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ nên không ai muốn tham gia thị trường".
Bên cạnh đó, còn có những ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, chứng khoán; “room” tín dụng, khoản vay cho doanh nghiệp không theo kịp biến động theo giá xăng, dầu. Doanh nghiệp đầu mối không thiếu hàng nhưng ưu tiên bảo đảm cho hệ thống của mình trước và các thương nhân phân phối mua bán xăng, dầu ổn định.
“Trong quản lý mặt hàng xăng, dầu, dư luận đặt vấn đề trách nhiệm thuộc ngành Công Thương. Điều này đúng vì chúng tôi được giao nhiệm vụ, nhưng chúng tôi cũng nói thêm quản lý mặt hàng này có 7 bộ, ngành, bên cạnh địa phương chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bộ Công Thương chỉ được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng, dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối đến tư nhân phân phối”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.