Nguồn điện giai đoạn 2011 - 2019 có sự tăng trưởng mạnh
Thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Kinh tế, ngày 7/9/2020, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên giải trình 'Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội'.
Mục đích của phiên giải trình nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong xây dựng, ban hành chính sách, quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đề ra phương hướng cho công tác tổ chức lập và thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Tham dự và chỉ đạo phiên giải trình có Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Cùng tham dự phiên giải trình có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số cơ quan ở Trung ương, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh một số tỉnh, thành phố.
Về phía cơ quan chịu trách nhiệm giải trình có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Lãnh đạo một số Bộ, ngành có liên quan, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội thông báo một số nội dung về phát triển nguồn điện:
Trong giai đoạn 2011-2020, ngành điện đã thực hiện 2 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gồm Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Hiện nay, các cơ quan đang triển khai lập Quy hoạch điện VIII. Việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch điện thời gian qua góp phần thực hiện phát triển ngành điện một cách bài bản, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể thấy rõ một số kết quả cơ bản đạt được thời gian qua như sau:
- Nguồn điện giai đoạn 2011 - 2019 có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 21.321 MW. Đến hết năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện tăng hơn 2,6 lần so với năm 2010, đạt 55.880 MW.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/ năm, giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đạt 8%/năm.
Cơ cấu nguồn theo chủ sở hữu khá đa dạng, ngoài EVN còn có sự tham gia của PVN, TKV và các nhà đầu tư tư nhân.
Đến năm 2019, EVN chỉ còn chiếm 16% tổng công suất nguồn điện; tỷ trọng công suất nguồn điện thuộc sở hữu tư nhân đã lên tới 34%, cao nhất trong cơ cấu chủ sở hữu.
- Hệ thống lưới điện được đầu tư khá lớn với nhiều cấp điện áp, từ mức trung áp 6÷35kV đến mức cao áp 500, 220, 110kV. Khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 500-220kV so với phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đạt khá cao.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tỷ lệ hoàn thành Quy hoạch điện VII điều chỉnh lên mức 72,2% - 88,0% với TBA – ĐZ 500kV và 77% - 84% đối với TBA – ĐZ 220kV.
Đến nay, 100% số xã và 99,5% các hộ dân được sử dụng điện, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện; EVN tiếp nhận hệ thống điện và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo.
- Từng bước giảm tổn thất điện năng của hệ thống điện Việt Nam, từ mức 10,15% vào năm 2010 xuống mức 6,5% vào năm 2019, vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm bằng 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.
- Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, chỉ trong vòng 5 năm (2013-2018) cải thiện thứ hạng được 129 bậc từ vị trí 156/189 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2013 vươn lên vị trí 27/190 vào năm 2018.
Độ ổn định và tin cậy cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia, chất lượng điện áp đã được cải thiện đáng kể.
Năm 2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Asean - nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế.
- Đã đa dạng hóa các hình thức điện nhập khẩu. Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất khoảng 572 MW, từ Trung Quốc với công suất trên 450 MW. Tổng công suất nhập khẩu chiếm gần 2% tổng công suất của toàn hệ thống điện.
- Thị trường điện cạnh tranh phát điện, bán buôn đã bước đầu được hình thành và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện.
- Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm hơn; đã có những giải pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường tại các dự án điện.