Nguồn động viên nhọc nhằn viên trên hành trình sáng tạo

Việc xét Giải thưởng VHNT Phú Yên được thực hiện chặt chẽ qua nhiều vòng. Trong ảnh: Ban Chấp hành Chi hội Văn học thảo luận về tác phẩm của các tác giả dự Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ V. Ảnh: YÊN LAN

Gần 100 văn nghệ sĩ có tác phẩm dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Phú Yên lần thứ V, giai đoạn 2016-2020. Theo nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên, số lượng hội viên dự giải và chất lượng tác phẩm của họ đã phản ánh quá trình hoạt động sáng tạo trong 5 năm qua ở các chuyên ngành.

Chi hội Văn học có gần 160 hội viên; số lượng tác giả nộp hồ sơ tham gia Giải thưởng VHNT cũng đông đảo nhất: hơn 30 tác giả. Việc “cân đo đong đếm” không hề dễ dàng. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội VHNT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi đọc hơn 30 cuốn sách của các tác giả đề nghị xét giải, lọc dần để tìm những tác phẩm hay. Chúng tôi có sự thống nhất cao khi xét giải”. Chi hội Văn học có 26 tác giả được xét giải thưởng, tặng thưởng.

Phát triển mạnh và tràn đầy sức trẻ trong những năm qua, Chi hội Mỹ thuật có 11 hội viên được xét giải thưởng và có sự thống nhất cao. Họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật nói: “Chúng tôi thông tin cho anh chị em trong chi hội biết về Hướng dẫn tổ chức xét Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ V để họ nắm được các tiêu chí và làm hồ sơ dự giải chứ không phải làm ồ ạt. Khi xét giải thưởng từ cấp chi hội, chúng tôi căn cứ vào hướng dẫn này, trong đó có xét đến sự cống hiến của hội viên”.

Sau khi các chi hội, hội chuyên ngành xét, Hội đồng xét duyệt sơ khảo gồm 19 thành viên do nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh làm Chủ tịch hội đồng đã xét sơ khảo; kết quả sơ khảo được trình lên Hội đồng xét duyệt chung khảo.

Theo nhà văn Trần Quốc Cưỡng, so với 5 năm trước, khi xét Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ IV (giai đoạn 2011-2015), lần này số lượng văn nghệ sĩ dự giải thưởng nhiều hơn, ở tất cả các chuyên ngành, và đáng mừng là có sự tham gia của những gương mặt trẻ. Số lượng văn nghệ sĩ được đề nghị xét giải thưởng cũng cao hơn lần trước, trong đó có một số tác giả trẻ.

“Số lượng hội viên dự giải và chất lượng tác phẩm của họ đã phản ánh quá trình hoạt động sáng tạo trong 5 năm qua ở các chuyên ngành, cho thấy hoạt động VHNT ở Phú Yên đang trên đà phát triển. Được sự tạo điều kiện của tỉnh, Hội VHNT đã tổ chức nhiều hoạt động, nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế sáng tác, tạo cảm hứng, chất xúc tác cho anh em văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm VHNT. Và Giải thưởng VHNT lần thứ V đã phản ánh điều đó”, nhà văn Trần Quốc Cưỡng nói. Điều ông trăn trở là bên cạnh một số chuyên ngành phát triển mạnh, có những gương mặt trẻ thì chuyên ngành đông hội viên nhất là Văn học vẫn chỉ có những gương mặt quen dự giải lần này.

Trên hành trình sáng tạo tác phẩm VHNT vô cùng nhọc nhằn, giải thưởng là sự động viên, khích lệ nhưng không phải là tất cả. Để sáng tạo những tác phẩm VHNT có giá trị, theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc tỉnh, mỗi cá nhân cần phải nỗ lực, phải đặt mục tiêu xa và “nhìn thấy” những thành tựu ở chung quanh, không chỉ giới hạn trong nước mà phải có khả năng “nhìn ra” thế giới, biết họ đang đi theo các khuynh hướng nào, phát triển ra sao…

Để làm được điều đó không chỉ cần năng lực cá nhân mà còn phải có trình độ nhất định. PGS-TS Thu Trang cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của môi trường. “Nhiều người năng lực cá nhân rất tốt nhưng ở trong một môi trường thụ động, nhàm chán thì họ cũng bị ảnh hưởng, rất dễ ảnh hưởng. Một môi trường tốt thứ nhất là có nhiều người đồng cảm, cộng hưởng với mình, thứ hai là có sự khuyến khích từ người cầm trịch. Anh phải biết phát hiện nhân tài, và phải có sự động viên, đánh giá kịp thời chứ không chỉ là chính sách đãi ngộ...

Hiện nay, lý luận phê bình của chúng ta rất yếu, không chỉ ở chuyên ngành Văn học mà hầu hết các chuyên ngành khác cũng vậy. Dĩ nhiên những người sáng tác ít thích lý luận phê bình, nhất là khi bị chê. Nhưng giai đoạn nào mà phê bình phát triển tốt, nhất là giai đoạn 1930-1945, thì đó giống như chất xúc tác để hoạt động sáng tạo tác phẩm VHVN phát triển. Một môi trường tốt không chỉ là sự khích lệ động viên nhau mà cần có tính học thuật, điều đó cực kỳ quan trọng”, PGS-TS Thu Trang nói.

Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ V chủ yếu xét tặng cho văn nghệ sĩ đang sinh sống và công tác trên địa bàn tỉnh, có công trình, tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, có nội dung phản ánh về mảnh đất, con người Phú Yên, được sáng tác và công bố trong giai đoạn 2016-2020.

Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ IV (2011-2015) có 16 giải A, 15 giải B, 17 giải C và 21 giải khuyến khích ở các chuyên ngành. Ngoài ra, 15 tác giả ở các chuyên ngành: Âm nhạc, Sâu khấu và Văn học được trao tặng thưởng.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/248050/nguon-dong-vien-nhoc-nhan-vien-tren-hanh-trinh-sang-tao.html