Nguồn gốc bạo lực đôi khi ở sự bất lực của chính mình
Liệu bạn có gọi công an khi thấy một ông bố đánh con? Có phản đối khi thấy hàng xóm cho con ăn đòn? Có nhận ra mình sai ở đâu khi ai đó can thiệp vào cách ta dạy con?
Như cơ chế tự nhiên, ta cảm thấy lo lắng cho những đứa trẻ phải sống cùng mẹ kế.
Sự khủng khiếp của "mẹ ghẻ con chồng" dường như đã được minh họa rùng rợn trong chuyện đau lòng xảy ra với bé gái 8 tuổi ở TP.HCM vừa qua. Nó khiến ta liên tưởng đến câu ca dao "mấy đời bánh đúc có xương" và những câu chuyện cổ nơi dì ghẻ hiếm khi nào tử tế.
Hội chứng Cinderella
Vào thập kỷ 1970, các nhà khoa học phương Tây bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng xâm hại trẻ em trong các gia đình có bố dượng và mẹ kế. Số liệu lúc đó và cả sau này cho thấy trẻ bị bố dượng, mẹ kế bạo hành nhiều hơn trong các gia đình khác. Và các trường hợp bố dượng ra tay cũng nhiều hơn mẹ kế.
Nhiều giả thuyết đã giải thích tại sao, gồm cả viện dẫn sinh học tiến hóa và xu hướng nhiều loài thú như sư tử đực giết con riêng của sư tử cái, nhưng chưa giả thuyết nào thực sự lý giải thấu đáo sự phức tạp trong mối quan hệ này ở loài người.
Trớ trêu là hiện tượng cả bố dượng lẫn mẹ kế bạo hành con riêng lại bị gọi là "hiệu ứng Cinderella" - tương tự cổ tích kiểu Tấm Cám ở Việt Nam. Suốt nhiều thập kỷ, điều này vô tình làm hằn sâu thêm định kiến về sự tàn nhẫn của các bà mẹ kế.
Tuy nhiên, có thật là bố dượng thường ác hơn mẹ kế không?
Câu trả lời là không hẳn. Các vụ việc mẹ kế bạo hành con chồng ít hơn bởi hầu hết trẻ em sau khi ly hôn thường ở với mẹ đẻ. Mẹ đẻ thì sẽ có bố dượng. Vì ở với bố dượng nhiều hơn nên các vụ bố dượng xâm hại con riêng cũng nhiều hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, khi dùng thuật thống kê để cân bằng các yếu tố trong so sánh số lượng không liên quan đến chất lượng, mẹ kế hay bố dượng đều có khả năng bạo hành con riêng như nhau.
Sau câu chuyện của em bé trên, tôi thấy nhiều bà mẹ khuyên nhau khi ly hôn phải giành cho được quyền nuôi con. Tuy nhiên, nghiên cứu của Daly và Wilson năm 2008 cho thấy cả bố dượng lẫn mẹ kế, nếu hoàn cảnh đưa đẩy, đều có tiềm năng làm điều ác ngang nhau. Vấn đề không phải là bé ở với bố hay mẹ an toàn hơn, mà là người chúng ta chọn để sống chung là người thế nào.
Dưới góc nhìn khoa học, những nhóm người sau dễ dùng bạo lực nhất.
Trong cuốn “Khoa học về cái ác”, tác giả Simon Baron-Cohen cho rằng nguyên nhân lớn nhất của cái ác là ảnh hưởng của chứng Rối loạn nhân cách ranh giới (borderline), Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (psychopath) và Ái kỷ (narcissist).
Độ tuổi của bố dượng và mẹ kế là một yếu tố quan trọng. Họ càng trẻ, càng thiếu kinh nghiệm thì lại càng dễ giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Tiếp theo là khả năng xử lý căng thẳng của bố dượng và mẹ kế. Nguyên nhân của căng thẳng có thể đến từ nhiều vấn đề như thu nhập, đứt gãy kết nối với bên ngoài, áp lực phải nuôi con kẻ khác, các xung đột không được giải quyết… Bối cảnh đại dịch với việc học và làm việc online cũng là yếu tố khiến bạo lực gia đình tăng mạnh trên toàn thế giới.
Yếu tố cuối cùng là tài nguyên gia đình, bao gồm khả năng kinh tế, trình độ học vấn và địa vị xã hội. Bố dượng, mẹ kế có nguồn tài nguyên ít hơn thường vô thức nhấn mạnh vị thế của mình trong gia đình mới bằng bạo lực.
Để không còn những câu chuyện thương tâm
Câu chuyện của cô bé buồn quá sức. Tuy nhiên, ta đừng quên rằng, con người có khả năng yêu thương vô bờ, không những với hình hài mình dứt ruột đẻ ra mà cả những sinh linh không chút kết nối sinh học như con nuôi, con riêng, hay cả những con vật, đồ vật ta nâng niu hàng ngày. Tình yêu thương ấy có ở cả đàn ông và đàn bà.
Giới tính không quyết định bố hay mẹ "đương nhiên" sẽ thương con nhiều hơn, hoặc có "trách nhiệm" thể hiện tình thương ấy nhiều hơn chỉ vì một người là nam hay nữ.
Không những phải chọn đúng bạn đời, để những chuyện thương tâm như vậy không còn, ta cũng cần phải dạy trẻ về quyền của chính mình, dạy bé trân trọng bản thân, để bé hiểu rằng cơ thể mình là bất khả xâm phạm. Không ai, kể cả cha mẹ, ông bà, thầy cô, có quyền xâm hại. "Hư" không có nghĩa là sẽ phải bị “đòn”. Và khi hoảng sợ, bé cần làm gì, gọi số điện thoại nào, nói chuyện với ai để được giúp đỡ.
Với xã hội Việt Nam, điều này đôi khi không dễ bởi nó hạn chế quyền lực của chính người làm cha làm mẹ. Nhưng, không muốn con tổn thương thì chính cha mẹ phải làm gương.
Trên thế giới, 59 quốc gia đã cấm hoàn toàn việc trừng phạt trẻ em bằng roi vọt. Ở những nước này, đòn roi bị coi là xâm hại trẻ em. Một vết cạo gió, một vết bầm tím, một cảm xúc hốt hoảng không rõ nguyên nhân... đều là lý do để giáo viên, hàng xóm và bất kỳ ai có thể báo cảnh sát hoặc các tổ chức bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, việc cho trẻ “ăn đòn” vẫn còn khá phổ biến. 78% cha mẹ ở Mỹ cho rằng điều này có thể chấp nhận được; 83% cha mẹ ở Philippines năm ngoái từng đánh con. Ngay cả ở những nền văn hóa khá cấp tiến và đã cấm đánh con như Bắc Âu, 17% cha mẹ Phần Lan ủng hộ việc đánh con và 24% cha mẹ Thụy Điển đã từng một lần xuống tay dạy con bằng bạo lực.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ con càng bị đánh mắng thì khả năng nhận thức càng bị ảnh hưởng. Nghiên cứu của Tomoda và cộng sự năm 2010 cho thấy trẻ bị đánh 12 lần mỗi năm trong vòng 3 năm, dù chỉ bị đánh vào mông, có thể bị teo não, suy giảm tới 19% lượng chất xám ở một số vùng trong não. Các hậu quả tâm lý và sức khỏe khác bao gồm suy giảm trí thông minh, trầm cảm, bạo lực, nghiện ngập, muốn tự tử, thiếu tự tin…
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là việc trẻ lớn lên, coi bạo lực là một phần tất yếu của cuộc sống. Bé có thể trở thành nạn nhân của bạo lực mà vẫn tưởng đó là “tình yêu”, hy sinh, nhẫn nhục sống cùng kẻ đày đọa mình. Bé cũng có thể trở thành thủ phạm dùng bạo lực mà vẫn cho rằng đó là cách để “yêu thương”.
Tôi thấy nhiều người nói “ngày xưa bị đánh suốt mà giờ vẫn ổn đấy thôi”. Thật ra, hãy tưởng tượng, thay vì bị đánh, bạn được khuyên nhủ và dạy dỗ một cách nhân văn hơn thì bạn có thể trở thành con người khác hôm nay thế nào?
Câu chuyện của cô bé 8 tuổi là điều khủng khiếp nhất có thể xảy ra. Nhưng còn những điều khủng khiếp nho nhỏ mà ta dường như đang bỏ qua mỗi ngày. Liệu bạn sẵn sàng gọi công an khi thấy một ông bố đánh con? Có phản đối khi thấy hàng xóm cho con ăn đòn? Và trên hết, liệu ta có nhận ra mình sai ở đâu khi ai đó can thiệp vào cách ta dạy con, hay lại kêu lên: "Tôi chỉ quật nó một cái vào mông, làm gì mà to chuyện?".
Liệu ta có nhận ra nguồn gốc của bạo lực đôi khi ở sự bất lực của chính mình?