Nguồn gốc bất ngờ của hàng trăm xác ướp bí ẩn ở sa mạc Trung Quốc

Kể từ khi được khai quật, nguồn gốc của hàng trăm xác ướp ở bồn địa Tarim, Tân Cương, Trung Quốc vẫn là bí ẩn khiến các nhà khảo cổ học hoang mang.

Các xác ướp này được tìm thấy chủ yếu trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Chúng được bảo tồn một cách đáng kinh ngạc, dù khoảng 4.000 năm đã trôi qua. Nhờ khí hậu khô của vùng sa mạc, các đặc điểm trên mặt và màu tóc, thậm chí quần áo của xác ướp còn khá nguyên vẹn.

Suốt nhiều năm qua, các chuyên gia đã không ngừng tranh cãi về nguồn gốc của những xác ướp này. Theo dữ liệu khảo cổ, họ có dung mạo khá giống người phương Tây hiện đại với trang phục làm từ nỉ, len và có thực đơn bao gồm phô mai, lúa mỳ, hạt kê. Do đó, nhiều người tin rằng đây là nhóm dân du mục di cư từ thảo nguyên Tây Á hoặc nông dân đến từ Trung Á.

Mái tóc và các đặc điểm trên khuôn mặt của xác ướp có thể nhìn thấy rõ ràng. Ảnh: Xinjiang Institute of Cultural Relics and Archaeology.

Mái tóc và các đặc điểm trên khuôn mặt của xác ướp có thể nhìn thấy rõ ràng. Ảnh: Xinjiang Institute of Cultural Relics and Archaeology.

Tuy vậy, một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học Nature của các nhà khoa học Trung Quốc, châu Âu và Mỹ thu được phát hiện mới. Qua phân tích ADN và giải trình tự gene của 13 xác ướp, nhóm nghiên cứu kết luận những xác ướp không phải người mới đến khu vực mà là dân cư địa phương, hậu duệ của một quần thể người châu Á cổ đại ở kỷ Băng Hà.

“Từ khi được phát hiện, các xác ướp này đã khiến cả giới khoa học và công chúng quan tâm. Chúng tôi tìm thấy bằng chứng họ là một cộng đồng dân cư địa phương với độ biệt lập di truyền cao. Tuy nhiên, họ dường như rất cởi mở tiếp nhận tư tưởng và công nghệ mới từ những người chăn nuôi và nông dân ở vùng lân cận, đồng thời phát triển đặc trưng văn hóa riêng biệt không có ở bất kỳ cộng đồng nào khác", bà Christina Warinner, Phó giáo sư nhân chủng học ở Đại học Harvard, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Theo CNN, nhóm nghiên cứu đã xem xét thông tin di truyền từ những xác ướp cổ nhất ở lòng chảo Tarim, niên đại từ 3.700 đến 4.100 năm, cùng với hệ gene giải trình tự từ hài cốt 5 người tại lòng chảo Dzungarian Basin phía bắc Khu tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ. Với niên đại 4.800 - 5.000 năm, đó là các hài cốt lâu đời nhất trong vùng.

Nghiên cứu phát hiện xác ướp ở lòng chảo Tarim không có dấu hiệu lai tạp với cộng đồng dân cư khác sống cùng thời kỳ. Các xác ướp là hậu duệ trực hệ của nhóm người từng phân bố rộng rãi vào kỷ Băng Hà nhưng biến mất phần lớn cách đây khoảng 10.000 năm. Dấu vết của nhóm người săn bắt - hái lượm này chỉ tồn tại ở hệ gene của người dân thời nay với tỉ lệ cao nhất ở người bản xứ Siberia và châu Mỹ.

Các xác ướp được chôn cất trong những chiếc thuyền phủ đầy da gia súc. Ảnh: Xinjiang Institute of Cultural Relics and Archaeology.

Các xác ướp được chôn cất trong những chiếc thuyền phủ đầy da gia súc. Ảnh: Xinjiang Institute of Cultural Relics and Archaeology.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ xem xét xác ướp ở một khu vực. Nhóm nghiên cứu không biết chắc liệu giải trình tự gene ở phạm vi rộng hơn tại lòng chảo Tarim có cho kết quả khác hay không. Bên cạnh đó kết quả ban đầu cho thấy các xác ướp sống ở ven bán đảo trên sa mạc nhưng không rõ tại sao họ được chôn cất trong những chiếc thuyền phủ đầy da gia súc với mái chèo đặt ở đầu thuyền.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguon-goc-bat-ngo-cua-hang-tram-xac-uop-bi-an-o-sa-mac-trung-quoc-a532123.html