Nguồn gốc của một trong những quà lưu niệm phổ biến ở Nhật
Búp bê Daruma màu đỏ xuất hiện khắp nơi tại ngôi đền 1.300 năm tuổi Katsuo-ji trên địa bàn thành phố Osaka. Chúng nằm giữa cành cây, tập trung quanh bàn thờ, rải rác trên đường lẫn trong khu rừng trên sườn đồi.
Những búp bê mang tính biểu tượng của Nhật Bản có đủ kích cỡ. Hàng nghìn con Daruma khiến Katsuo-ji còn được biết đến với tên gọi “đền Daruma”. Đây chính là bùa may mắn, đại diện cho sự kiên trì đồng thời cũng trở thành một trong những quà lưu niệm phổ biến mà du khách không thể bỏ qua.
Trong hơn 1.000 năm, Katsuo-ji gắn liền với thành công cùng chiến thắng. Nhiều vị vua cùng tướng quân từng đến đền cầu phúc. Ngày nay địa điểm tâm linh này thu hút người dân địa phương lui tới trước kỳ thi hay cuộc họp kinh doanh quan trọng.

Búp bê Daruma tại đền Katsuo-ji - Ảnh: Rebecca Cairns/CNN
Hướng dẫn viên người Ý sống tại Nhật Marco Fasano (nhà sáng lập công ty du lịch Tanuki Stories) không ít lần ghé thăm Katsuo-ji, một lần trong số đó là cầu may trước lúc thi năng lực Nhật ngữ. Ông chia sẻ: “Mua Daruma cần cả một quy trình. Bạn cần nghĩ về điều mà mình muốn hoàn thành, viết điều ước lên búp bê, tô một mắt, thanh tẩy Daruma bằng chút ít nhang rồi mới đem về”.
Fasano nói thêm rằng không như bùa hộ mệnh hay nghi lễ cầu may khác, Daruma không chỉ đơn thuần là ước một điều và hy vọng nó trở thành hiện thực: “Mỗi khi nhìn vào búp bê bạn cần nhớ điều ước đó và tự hỏi hôm nay bản thân cần làm gì để đạt mục tiêu đó. Búp bên nhắc nhở bạn cần phải nỗ lực thực hiện”.
Con mắt thứ hai chỉ được tô sau khi điều ước thành hiện thực. Daruma được trả lại Katsuo-ji.

Búp bê Daruma có nhiều kích cỡ - Ảnh: Rebecca Cairns/CNN
Biểu tượng của sự kiên trì
Búp bê tròn màu đỏ, biểu cảm cau có đại diện cho Bodhidharma - nhà sư sáng lập phái Thiền tông sống ở thế kỷ thứ 5. Tín đồ tin rằng ông thiền định lâu đến mức mất hết tứ chi (minh họa bằng hình dạng của búp bê, làm nặng phần đế để luôn đứng dậy khi đổ).
“Daruma đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì. Theo Thiền tông, câu trả lời nằm sẵn bên trong bạn. Mọi thứ không tự nhiên đến như món quà mà bạn phải siêng năng rèn luyện và tìm thấy trong chính mình”, hướng dẫn viên Fasano giảng giải.
Trong một truyền thuyết khác, Bodhidharma tự cắt mí mắt nhằm tránh ngủ gật lúc thiền định. Do đó Daruma có đôi mắt mở to. Ngoài ra trên búp bê còn vài chi tiết thể hiện sự may mắn như màu đỏ, lông mày cùng râu rậm tượng trưng cho sếu và rùa (hai loài vật gắn liền với may mắn và tuổi thọ ở Nhật).
Katsuo-ji không phải là “đền Daruma” duy nhất. Tại thành phố Kyoto cũng có đền Horin-ji tự hào sở hữu khoảng 8.000 Daruma, nhiều con được lưu giữ trong hội trường do người sùng bái ngôi đền góp tiền xây nên.
Khắp nước Nhật đều có Daruma, nhưng 80% được làm ở thị trấn Takasaki nơi nghề làm búp bê thủ công bằng giấy bồi truyền thống bắt nguồn từ khoảng 200 năm trước. Đền Shorinzan Daruma-ji bắt đầu bán Daruma từ 220 năm trước, đồng thời hằng năm đều tổ chức hội chợ Daruma. Du khách bắt đầu đặt búp bê quanh khuôn viên cách đây khoảng 100 năm.
Còn Katsuo-ji cung cấp hai loại Daruma: Kachi-Daruma (Daruma chiến thắng) được sử dụng để đặt ra một mục tiêu cụ thể cùng Daruma-Mikuji (Daruma bói toán) độc quyền. Thay vì tô mắt, du khách đặt một câu hỏi trước khi chọn búp bê rồi mới chọn Daruma-Mikuji, bên trong chứa cuộn giấy nhỏ ghi lời khuyên độc đáo hướng dẫn họ cách đạt mục tiêu.
Để thu hút thêm du khách, Katsuo-ji vào tháng 5.2024 ra mắt chương trình đến 6 điểm xung quanh đền theo trình tự và thu thập tem ghép thành hình ảnh hoàn chỉnh. Chương trình thể hiện quá trình lập kế hoạch, thực hiện từng bước một đạt đến mục tiêu.