Nguồn gốc đôi đũa: Có gì mới?

Đũa là dụng cụ dùng để ăn ở nhiều nước, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Đó là các nước nằm trong vùng 'văn minh đũa'. Về nguồn gốc, Trung Quốc là nơi đôi đũa ra đời, đó là điều không còn phải tranh cãi. Một quan niệm hiện đang phổ biến nói rằng đôi đũa cổ xưa nhất trên thế giới là đôi đũa đồng được tìm thấy ở di chỉ Ân Khư của nhà Thương ở Hà Nam, có niên đại cách đây khoảng 3.200 năm.

Trung Quốc cũng là nơi có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của đôi đũa. Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 truyền thuyết gắn nguồn gốc đôi đũa với hai nhân vật rất nổi tiếng là Đại Vũ và Khương Tử Nha.

1. Truyền thuyết thứ nhất kể: Ngày xưa, nạn lũ lụt lan tràn vùng sông Hoàng, vua Thuấn sai Vũ chống lụt. Vũ là con ông Cổn, người trước đó được giao việc nhưng không thành. Vũ thề vì dân trị thủy bằng được, không quản vất vả ngày đêm, quên ăn mất ngủ.

Lư hương Đông Sơn nắp hình chim.

Lư hương Đông Sơn nắp hình chim.

Một hôm, Vũ thấy đói liền bắc nồi nấu thịt. Khi thịt chín, không muốn mất thời gian đợi thịt nguội, Vũ lấy hai đoạn cành cây làm đũa gắp thịt trong nồi nước vẫn nóng ra ăn. Mọi người thấy thuận lợi nên cũng làm theo. Tục dùng đũa ra đời từ đó...

Trị thủy thành công, Vũ được vua Thuấn nhường ngôi, trở thành vua nhà Hạ (2070-1600 TCN), triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Với công cao đức cả, Vũ trở thành một anh hùng văn hóa vĩ đại, được gọi là Đại Vũ.

Truyền thuyết thứ hai kể: Khương Tử Nha chỉ biết câu cá, không biết làm gì nên vô cùng nghèo khó. Vợ ông ta không chịu nổi, muốn giết ông để đi lấy chồng khác.

Một ngày nọ, Khương Tử Nha đi câu nhưng tay trắng về nhà. Vợ ông bảo: "Tôi đã nấu thịt rồi, ông đói thì mau ăn đi!".

Khương Tử Nha đang đói liền đưa tay bốc thịt. Đột nhiên có một con chim từ cửa sổ bay vào, mổ vào tay ông. Khương Tử Nha không ăn miếng thịt và vội đuổi bắt chim. Ông linh cảm đó là chim thần nên vờ đuổi theo chim đến bên một sườn núi vắng. Chim đậu trên cành tre, cất tiếng người nói rằng: "Khương Tử Nha! Ngươi phải hãy dùng cành tre gắp thịt". Khương Tử Nha nghe theo, liền bẻ hai đoạn cành tre mang về nhà. Khi người vợ lại giục ông ăn, ông dùng chúng gắp thịt ra bát, đột nhiên thấy một làn khói xanh từ hai thanh tre bốc lên. Ông hỏi vợ: "Sao thịt lại bốc khói nhỉ, có độc chăng?". Vừa hỏi, ông vừa gắp thịt đưa lên miệng vợ. Bà vợ mặt tái dại vội bỏ chạy.

Khương Tử Nha hiểu hai đoạn cành tre này do chim thần ban cho nên có thể phát hiện chất độc. Từ đó, mỗi bữa ông đều dùng chúng làm đũa để gắp thức ăn. Sau khi câu chuyện lan truyền, không chỉ vợ ông không dám hạ độc ông mà hàng xóm láng giềng cũng theo ông ăn bằng đũa tre. Tục đó được truyền đến các đời sau…

Khương Tử Nha là một nhân vật lịch sử rất nổi tiếng. Tổ tiên ông từng giúp Đại Vũ trị thủy Hoàng Hà, được phong đất Lã nên ông còn có họ Lã tên Vọng. Ông là một khai quốc công thần của nhà Chu (1046-221 TCN).

Hình các vật tổ chim, nhà-chim, người-chim trên trống đồng.

Hình các vật tổ chim, nhà-chim, người-chim trên trống đồng.

2. Đó là những câu chuyện về nguồn gốc đôi đũa được phổ biến lâu nay. Dựa trên những tư liệu mới, tôi thấy mình cần và có thể kể một câu chuyện khác, sẽ rất lý thú với người Việt chúng ta.

Những phát hiện khảo cổ học mới nhất ( năm 2023) cho biết các đôi đũa cổ nhất ở Trung Quốc được tìm thấy cho đến nay là các đôi đũa làm bằng xương thú đến từ một ngôi mộ thuộc văn hóa Mã Gia Bang ở Giang Tô, có niên đại cách đây 5.300-7.000 năm. Đũa có một đầu nhọn, đầu bằng, nằm từng đôi cùng với bát. Các đôi đũa cổ nhì là đũa làm bằng ngà voi đến từ một ngôi mộ thuộc văn hóa Lương Chử ở Chiết Giang có niên đại cách đây khoảng 4.300-5.300 năm. Văn hóa Lương Chử là văn hóa tiếp nối văn hóa Mã Gia Bang.

Giang Tô và Chiết Giang là hai tỉnh ở hạ lưu sông Dương Tử, xưa là vùng đất của hai nền văn hóa cùng thời Hà Mẫu Độ và Mã Gia Bang của những người trồng lúa sớm.

Trong cổ thư Trung Quốc, đó là vùng đất của người "Chim - Mặt trời", nơi có những người "Đầu Cò" thường đi dọc ven biển đánh bắt cá. Những người "Đầu Cò" đó là con cháu của ông Cổn, bố của Đại Vũ. Có sách nói ông Cổn là người từ vùng hạ lưu Dương Tử di cư tới vùng trung lưu sông Hoàng, điều lý giải vì sao sau này, mộ Đại Vũ được chôn ở núi Cối Kê (Chiết Giang) và vua Việt Câu Tiễn coi Đại Vũ là ông tổ. Nhiều truyền thuyết về Đại Vũ cũng tìm thấy ở đây. Có thuyết cho rằng Vũ gốc là một vị vua đến từ Lương Chử, nơi từng trải qua nạn lũ lụt lớn do biển tiến.

Thực tế, người "Chim-Mặt Trời" là người có tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim - Mặt Trời. Họ chính là chủ nhân các nền văn hóa Hà Mẫu Độ, Mã Gia Bang và Lương Chử.

Với tín ngưỡng đó, người Hà Mẫu Độ có dao ngà chuôi hình chim, các lễ khí khắc hình chim chầu mặt trời, dùng "ông đầu rau" hình đầu chim, ấm hình chim; người Mã Gia Bang dùng bình gốm hình chim ba chân cách điệu và đôi đũa mô phỏng mỏ chim; người Lương Chử có vua đội mũ cắm lông chim.v.v.

Trong tâm thức người Mã Gia Bang, cò là loài chim đã ngậm bông lúa trong mỏ mang từ trời về cho người. Từ đó, cò trở thành hiện thân cao quí nhất cho Bà Tổ Chim - Mặt Trời, cũng là Thần Lúa. Cò cũng là loài chim đặc biệt bởi có thể di chuyển giữa cả trời, đất và nước. Với vẻ đẹp duyên dáng, tính cần cù, cò trở thành một biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành, cho cuộc sống no ấm, thanh bình của người trồng lúa.

Với tâm thức đó, rất có thể người Mã Gia Bang đã mô phỏng cặp mỏ dài nhọn cần cù tìm mồi, khéo léo cắp mồi của cò để tạo ra đôi đũa dùng để nấu và ăn cơm. Họ tin, đó là một cách để Bà Tổ Cò thấy họ đúng là con cháu Bà, luôn biết ơn Bà, từ đó để được Bà yêu thương, phù hộ nhiều hơn.

Người xưa thường gán việc phát minh các giá trị văn hóa cho các nhân vật huyền thoại hay lịch sử nổi tiếng. Nhưng rõ ràng, đôi đũa cổ nhất đã ra đời hàng ngàn năm trước khi Đại Vũ và Khương Tử Nha sinh ra. Dù vậy, việc truyền thuyết gắn nguồn gốc đôi đũa với Đại Vũ- người gốc Chiết Giang, nơi có tín ngưỡng thờ chim lâu đời, hay với Khương Tử Nha, người được chim thần chỉ cách làm đũa tre, lại ẩn chứa mối liên hệ sâu sa giữa sự ra đời của đôi đũa với vùng đất của người Đầu Cò, cũng là nơi đã tìm được các đôi đũa cổ nhất. Có lẽ, người Mã Gia Bang đã tạo ra những đôi đũa đầu tiên bằng tre để dùng hàng ngày, sau bằng xương thú, ngà voi và đồng để dùng trong các lễ cúng tổ tiên và cho giới quí tộc. Hàng ngàn năm sau, chỉ đũa xương, đũa ngà và đũa đồng là còn thấy được, còn đũa tre chỉ còn trong truyền thuyết.

Thời Đông Sơn, cùng với xã hội mẫu hệ, tín ngưỡng Bà Tổ Chim được phục hưng mạnh mẽ. Người Đông Sơn đều thờ Bà Tổ Chim, nhưng mỗi nhóm thờ một loài chim khác nhau, trong đó loài chim cao quí nhất là cò trắng.

Với tín ngưỡng Bà Tổ Chim, người Đông Sơn ở nhà hình chim với mái sống võng, hai đầu hồi có hình đầu chim; mặc áo lông chim, đội mũ hình đầu chim để hóa thành người-chim trong hội lễ, đi thuyền-chim. Họ cũng dùng bình rượu, lư hương, đèn hình chim hay mang tượng chim.v.v.

Như vậy, trong câu chuyện của tôi, nơi phát sinh của đôi đũa là hạ lưu Dương Tử, vùng đất của người Chim-Mặt trời hay người Đầu Cò, một vùng đất cội nguồn của văn minh Trung Hoa.

Tạ Đức (Nhà dân tộc học)

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nguon-goc-doi-dua-co-gi-moi--i702300/