Nguồn gốc logo của các hãng xe nổi tiếng
Logo ô tô có thể đơn giản hay cầu kỳ, nhưng phải bắt mắt và đáng nhớ. Không những vậy, nhiều logo ô tô đã có tuổi đời hàng trăm năm và mang đầy ý nghĩa cùng những câu chuyện thú vị.
Logo ô tô là hình ảnh đại diện cho các hãng xe, qua đó giúp khách hàng có thể nhận biết về một thương hiệu ô tô. Dưới đây là nguồn gốc logo thú vị của một số hãng xe nổi tiếng.
Volvo
Tiền thân của Volvo là một công ty sản xuất ổ đỡ trục, và cái tên “volvo” trong tiếng Lantinh có nghĩa là “I roll” (tạm dịch: tôi lăn). Volvo được đăng ký thương hiệu ô tô vào năm 1911, nhưng logo của hãng xe này thậm chí còn có nguồn gốc lâu đời hơn.
Logo của Volvo, hình ảnh vòng tròn có mũi tên hướng ra ngoài là biểu tượng hóa học cổ đại tượng trưng cho sắt. Những người sáng lập Volvo, Assar Gabrielsson và Gustaf Larson đã sử dụng hình ảnh này với mục đích nhấn mạnh đến sự mạnh mẽ của sản phẩm xe hơi với các đặc tính như an toàn, chất lượng và độ bền. Ngày nay, logo này còn tượng trưng cho một thương hiệu ô tô có thiết kế hiện đại, thú vị và có mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng.
BMW
Logo của BMW là thiết kế khá đơn giản, nhưng vẫn mang tính biểu tượng rõ ràng. Hãng xe hạng sang của Đức nổi tiếng với hình ảnh thương hiệu là một cánh quạt quay tròn trước bầu trời xanh, có vẻ gợi liên tưởng đến nguồn gốc của BMW là một nhà sản xuất máy bay.
Tuy nhiên, theo BMW thì sự thật không phải như vậy. Các phần tư của vòng tròn bên trong trên huy hiệu BMW hiển thị màu sắc chính thức của bang Bavaria – trắng và xanh lam, nhưng theo thứ tự nghịch đảo. Đây chính là quê hương của thương hiệu xe Đức. Lý do cho sự đảo ngược màu này là do luật nhãn hiệu địa phương vào thời điểm đó cấm sử dụng quốc huy hoặc các biểu tượng chủ quyền khác trên logo thương mại.
Porsche
Logo của hãng Porsche được thiết kế dựa trên quốc huy của tiểu bang Free People's State of Wurttemberg, Đức. Đó là lý do tại sao nó có hình dạng một cái huy hiệu - để phù hợp với truyền thống của bang Württemberg-Baden. Về hình ảnh, ở giữa của logo là một chú ngựa lồng lên trong huy hiệu của thành phố Stuttgart vì trụ sở chính của Porsche được xây dựng trên một trang trại chăn nuôi ngựa ở đó.
Tuy nhiên, có 2 câu chuyện lý giải về nguồn gốc logo của thương hiệu xe thể thao hạng sang của Đức. Một người khẳng định kỹ sư Franz Xaver Reimpies đã thiết kế ra nó, trong khi người còn lại nói rằng chính Ferry Porsche, con trai người sáng lập hãng Porsche đã vẽ logo này trên khăn ăn trong một buổi gặp mặt.
Cadillac
Logo của Cadillac đã được thiết kế lại gần 30 lần trong hơn 100 năm qua, phản ánh những thay đổi đối với cả định hướng thiết kế và văn hóa của hãng xe này. Ngoài ra, đây cũng là một trong những logo mạnh mẽ và dễ nhận biết nhất của ngành công nghiệp xe hơi.
Logo ban đầu của Cadillac được chia thành hai phần. Vương miện bao xung quanh tượng trưng cho 6 tòa án cổ của Pháp. Chiếc khiên đại diện cho nguồn gốc dũng cảm của gia đình quý tộc, được lấy cảm hứng từ hình dạng của những chiếc khiên được các chiến binh sử dụng trong quá khứ. Cho đến ngày nay, vương miện không còn được gắn trên biểu tượng của Cadillac.
Ferrari
Enzo Ferrari, cha đẻ của hãng siêu xe Ý nổi tiếng đã từng chia sẻ về nguồn gốc của chú ngựa chồm trên logo Ferrari. Câu chuyện trực tiếp liên quan đến chiến binh người Ý và anh hùng dân tộc, Francesco Baracca. Enzo Ferrari sau đó đã gặp mẹ của Baracca sau khi ông qua đời vào năm 1918, và bà đã nói với Ferrari rằng ông nên sơn biểu tượng chú ngựa chồm được vẽ trên thân máy bay chiến đấu của Bracca để mang lại may mắn.
Ferrari đã làm điều đó và thêm màu vàng đại diện cho thành phố Modena, quê hương của mình. Hình dạng của huy hiệu đã thay đổi nhiều lần trong nhiều thập kỷ, nhưng biểu tượng chú ngựa tung vó vẫn được giữ nguyên. Ngày nay, logo nổi tiếng của Ferrari là một chú ngựa chồm đen trên nền vàng, có dòng chữ S F có nghĩa là Scuderia Ferrari, tiền thân của hãng xe Ferrari.
Thanh Lam (theo Carbuzz)
Bạn có trải nghiệm gì về những chiếc ô tô của mình? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!