Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội ma Halloween

Lễ hội Halloween (diễn ra ngày 31/10 hàng năm) có nguồn gốc từ những truyền thống rất cổ xưa và mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu xa mà không nhiều người biết.

Halloween là một trong những lễ hội phổ biến nhất thế giới diễn ra đêm 31/10 hàng năm. Lễ hội này thường được biến đến với những tạo hình hóa trang đáng sợ, với hình ảnh vừa ấm áp vừa ma mị của những chiếc đèn bí ngô được chạm khắc công phu và câu cửa miệng "trick or treat" của trẻ em. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Halloween, chúng ta cần quay ngược rất xa về quá khứ.

Nguồn gốc lễ hội Halloween

Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt cổ đại, sống tại vùng đất mà nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền bắc nước Pháp. Lễ hội Samhain đánh dấu sự kết thúc của mùa thu và bắt đầu của mùa đông - thời điểm mà người Celtic tin rằng ranh giới giữa thế giới người sống và người chết trở nên mờ nhạt.

Người Celt cổ đại mừng năm mới vào ngày 1/11 hàng năm nên họ tin rằng vào đêm 31/10, các hồn ma sẽ quay trở lại dương gian, gây rối và hủy hoại mùa màng. Để xua đuổi các hồn ma và làm vui lòng các vị thần, họ tổ chức các buổi lễ đốt lửa, cúng tế động vật và nông sản. Họ cũng hóa trang thành các linh hồn để tránh bị ma quỷ nhận ra.

Khi người La Mã đến vùng đất này, họ hòa trộn lễ hội Samhain với hai sự kiện của La Mã là lễ hội Feralia - tưởng nhớ người chết và lễ hội tôn vinh Pomona - nữ thần trái cây, biểu tượng là quả táo. Từ sự hòa trộn này, các truyền thống và biểu tượng của Halloween bắt đầu hình thành.

Halloween có tên gọi gốc là “All Hallows’ Eve”. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh”, còn từ “Eve” trong tiếng Scotland có nghĩa là even (chiều tối). Từ tên gọi gốc “All Hallows’ Eve”, Halloween trở thành tên gọi chính thức được công nhận trên toàn thế giới.

Halloween bắt đầu phổ biến mạnh mẽ tại Mỹ khi làn sóng người di cư Ireland tràn vào đất Mỹ, mang theo những truyền thống văn hóa của họ. Tại đây, Halloween có nhiều biến đổi và trở thành một ngày hội vui vẻ với các hoạt động như hóa trang, khắc bí ngô và "trick-or-treat" (cho kẹo hay bị ghẹo).

Ngày nay, Halloween không chỉ là dịp để trẻ em và những người trẻ hóa trang, tham gia các hoạt động vui chơi, mà còn là dịp để thưởng thức nghệ thuật, các bộ phim kinh dị và khám phá những nét văn hóa truyền thống.

Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt cổ. (Ảnh: Gettyimages)

Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt cổ. (Ảnh: Gettyimages)

Ý nghĩa của lễ hội Halloween

Halloween không chỉ là dịp mọi người có cơ hội thỏa sức sáng tạo với trang phục, cách hóa trang và tham gia vào các hoạt động vui chơi, tăng sự kết nối cộng đồng và thể hiện lòng vị tha thông qua các hoạt động từ thiện.

Với trẻ em, Halloween đặc biệt hấp dẫn nhờ vào trò "trick-or-treat", nơi các em nhỏ hóa trang và đi từ nhà này sang nhà khác để xin kẹo. Đây không chỉ là một hoạt động vui nhộn mà còn giúp trẻ nhỏ học về sự dũng cảm và kỹ năng giao tiếp.

Ở góc độ sâu xa hơn, Halloween cũng là dịp để chúng ta đối diện với nỗi sợ hãi, một phần không thể thiếu trong đời sống. Bằng cách hóa trang thành những điều khiến chúng ta sợ hãi, con người tìm cách chế ngự và chấp nhận chúng. Đồng thời, Halloween cũng nhắc nhở chúng ta về tính hữu hạn của cuộc sống, khuyến khích sống trọn từng khoảnh khắc.

Ý nghĩa của lễ hội Halloween. (Ảnh: Dino's Storage)

Ý nghĩa của lễ hội Halloween. (Ảnh: Dino's Storage)

Ở nhiều quốc gia, lễ hội Halloween còn mang ý nghĩa tưởng niệm những người đã khuất, chào đón những linh hồn trở lại với thế giới người sống trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Một trong các truyền thuyết về Halloween kể rằng, vì thương xót cho số phận của Jack, một linh hồn không chốn dung thân, không được lên thiên đường, cũng chẳng được vào địa ngục, những người đang sống cho anh một ngày được vui chơi thoải mái cùng họ cho đỡ cô đơn.

Để Jack bớt cảm thấy lạc lõng, mọi người hóa trang thành ma quỷ để Jack có thể trà trộn vào đám đông. Đây cũng là một nét ý nghĩa đầy nhân văn của lễ hội Halloween.

Nhìn chung, Halloween mang nhiều ý nghĩa, từ tôn vinh lịch sử văn hóa đến tinh thần nhân văn. Đó là một dịp để mỗi người tự do thể hiện bản thân, thúc đẩy sáng tạo và xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Qua thời gian, Halloween vừa giữ gìn truyền thống, vừa tích hợp những giá trị mới mẻ của thời hiện đại.

Nhật Thùy (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-hoi-ma-halloween-ar904790.html