Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Qua nhiều thập niên xây dựng và phát triển, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để nhìn lại những thành tựu và ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để nhìn lại những thành tựu và ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh minh họa từ INT

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để nhìn lại những thành tựu và ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh minh họa từ INT

Nguồn gốc của Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Ngày 27/2 năm nay là kỉ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024).

Ngược dòng lịch sử, ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:

Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.

Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.

Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "Đông" và thuốc "Tây".

Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985 Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngành Y tế Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, kiểm soát, khống chế thành công đại dịch COVID-19. Ảnh minh hòa từ ITN

Ngành Y tế Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, kiểm soát, khống chế thành công đại dịch COVID-19. Ảnh minh hòa từ ITN

Ý nghĩa của Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đã có biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên ngành y tế đã có mặt trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc để phục vụ sức khỏe bộ đội và nhân dân, kể cả trực tiếp cầm súng đánh giặc giữ nước. Đã có không ít người đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường, mang trong mình những căn bệnh quái ác do chất độc hóa học của chiến tranh, thậm chí nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mà không bao giờ trở lại, tiêu biểu như liệt sỹ - bác sỹ Đặng Thùy Trâm.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để nhìn lại những thành tựu và ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Qua nhiều thập niên xây dựng và phát triển, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Hệ thống y tế được củng cố và phát triển rộng khắp từ trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng, tỷ lệ tử vong do bệnh tật giảm đáng kể.

Đằng sau những thành tựu đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y tế. Các thầy thuốc, bác sĩ đã ngày đêm miệt mài cống hiến, không ngại gian khổ, hy sinh cả sức khỏe và hạnh phúc cá nhân để cứu chữa bệnh nhân, mang lại sự sống cho nhiều người.

Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, do vậy, người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, gắn với sự phát triển của đất nước, đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "lương y phải như từ mẫu", không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, giàu tình thương yêu và lòng tận tụy, trách nhiệm với người bệnh.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân đạt kết quả đáng tự hào; các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt, tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, ngành Y tế Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, kiểm soát, khống chế thành công đại dịch COVID-19; trân trọng, cảm ơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của những "chiến sĩ áo trắng" đã bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân, đi vào tâm dịch, cống hiến hết sức mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Theo tạp chí Công Thương, thống kê về nhân lực của ngành Y tế, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 35.000 nhân viên y tế, trong số đó lực lượng bác sĩ chiếm trên 96.200 người. Bên cạnh đó, số lượng y tá và hộ lý chiếm hơn 105.000 người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Với mục tiêu đến năm 2030, hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương được hoàn thiện, hiện đại, phù hợp với từng vùng, miền; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố vững chắc; y tế chuyên sâu, y tế mũi nhọn đạt ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-thay-thuoc-viet-nam-27-2-179240227132414571.htm