Nguồn hàng ổn định nhưng giá lương thực thực phẩm tại các siêu thị vẫn tăng 'phi mã'

Giá lương thực thực phẩm tại các chợ và siêu thị ở TP. HCM tăng phi mã trong những ngày toàn thành phố đang áp dụng quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, làm cho người dân bức xúc, khó khăn, chồng thêm khó khăn.

Tạo thị trường khan hiếm?

Đi mua thực phẩm về, chị Kim Loan (quận Bình Thạnh) bức xúc vì giá cả trên... trời.

"Bảo bình ổn giá nhưng có bình ổn đâu, còn đổ lỗi cho người dân gom hàng, trong khi siêu thị bắt mua gom. Điển hình, tôi mua rau hẹ, họ bắt tôi phải mua cả bó, với giá 68 ngàn đồng. Mua cả bó về làm gì, để cho thối rồi vứt đi hả?", chị Loan nói.

Thịt heo tại siêu thị emart có giá 280.000 đồng/kg. Ảnh: Thái Sơn

Cùng tâm trạng với chị Kim Loan, bà Trần Thị Hoa (ở quận Phú Nhuận) cho biết, ngày thường thịt heo loại 1 có giá 150 ngàn đồng/1kg, bây giờ trong siêu thị bán 280.000 đồng. Không chỉ thịt heo mà các loại rau như cà chua, dưa leo, cải thảo, xà lách, rau dền, khổ qua cũng có mức giá "trên trời".

"Thịt heo trong siêu thị có giá cao quá nên tôi ship hàng từ các lò mổ "lậu". Ở đây không có dấu mộc, nên giá thành cũng thấp hơn", anh HC (quận Bình Tân) bật mí.

PV báo Nhà báo & Công luận ghi nhận, hiện một số mặt hàng rau củ quả trên thị trường có giá tăng từ 2-3 lần so với ngày thường như, cải thảo, xà lách, bắp sú được bán lẻ với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại; cà rốt, chua, khoai tây, cà chua 50.000 - 60.000 đồng/kg; cải bó xôi có giá 60.000 đồng/kg...

Trứng gia cầm tại các siêu thị có giá tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/chục. Mặt khác, một số siêu thị còn kèm theo quy định giới hạn mua hàng, với lý do: "sợ các gian thương gom hàng để ra ngoài bán".

Trứng gia cầm bị hạn chế mua tại một số siêu thị. Ảnh: Thái Sơn

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Mega Market treo bảng "Do tình hình dịch căng thẳng và để đáp ứng được thực phẩm cho tất cả khách hàng nên trứng các loại giới hạn: 3 lốc (vỉ/khay)/khách hàng, trứng 300 giới hạn 1 cây/khách hàng. Xin quý khách thông cảm vì sự bất tiện này".

Bà Nguyễn Thị Hạnh (quận 2) bức xúc, nếu hàng hóa nhiều thì sợ gì người dân mua hàng với số lượng lớn. Hiện nay, mỗi lần đi là một lần khó, mua về để đó ăn dần cũng được chứ sao. Theo tôi, cách làm này của siêu thị chẳng khác nào tự tạo ra thị trường khan hiếm.

Không chỉ tại siêu thị Mega Market, mà tại siêu thị Co.opmart cũng giới hạn mua với số lượng trứng gia cầm.

Riêng hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh chưa áp dụng quy định về việc giới hạn số lượng thực phẩm.

Khó chấp nhận khi giá tăng

Trên thị trường, giá rau củ, trứng, thịt tại chợ truyền thống lẫn các siêu thị ở TP. HCM tăng mạnh. Trong khi nhiều nhà cung cấp cho biết, giá chỉ nhích nhẹ. Thậm chí, tại nhiều đơn vị chuyên cung ứng hàng, giá cả vẫn ổn định, thậm chí có nhiều thời điểm nông dân cho không vì hàng hóa không bán được.

Ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Công ty Minh Kiệt (một trong những đơn vị nhập khẩu thực phẩm lớn tại thị trường Đông Nam Bộ và thị trường TP. HCM) cho biết, hiện giá cả các mặt hàng vẫn ổn định, không có chuyện tăng giá, dù lượng khách đến lấy tăng hơn ngày thường. Thịt heo loại một có giá 86.000 đồng/kg, thủy hải sản tùy loại có giá từ 29.000 - 145.000 đồng/kg; thịt gà tùy loại có giá từ 33.000 - 63.000 đồng/kg; ...

Nguồn hàng của Cty TP Minh Kiệt luôn có giá ổn định, TP. Dĩ An phát tờ rơi đến các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối lẻ.

Về nguồn trứng gia cầm cung cấp cho các siêu thị và các điểm bán bình ổn, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc công ty cổ phần Ba Huân thông tin, giá cả và hàng hóa của công ty luôn ổn định, đảm bảo đủ để cung cấp.

"Hiện nay, mỗi ngày công ty Ba Huân cung ứng ra thị trường hơn 1 triệu quả trứng gà và vịt, tăng 30-40% so với ngày thường, tuy nhiên đảm bảo giá không tăng", ông Hùng khẳng định.

Cung cấp các loại nông sản, ông Lưu Lặp Đức - giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, một số mặt hàng tăng nhẹ nhưng cũng có mặt hàng giảm và cho không.

Có thật là các mặt hàng rau củ quả khan hàng ? Ảnh: Thái Sơn

Cụ thể, 16.000 đồng/kg cà chua, 20.000 đồng/kg khoai tây, 14.000 đồng/kg cải thảo, 12.000 đồng/kg xà lách, 14.000 đồng/kg cà rốt, 26.000 đồng/kg cải bó xôi...

Nhiều bạn đọc thắc mắc, vì sao Sở Công thương TP. HCM đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ trước mà nay lại để giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng phi mã? Về nguyên nhân do thức ăn chăn nuôi, lẫn chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của dịch như Sở Công thương TP. HCM đưa ra, có chấp nhận?

Theo ông Nguyễn Minh Tú, dù hiện tại vận chuyển hàng hóa khó hơn, nhưng giá thị trường cao gấp 2-3 lần thì doanh thương có lợi nhuận quá khủng, rất ảnh hưởng đến đời sống dân.

Được biết, để tăng thêm nguồn cung thực phẩm và hạ nhiệt giá bán, Sở Công thương TP. HCM có kế hoạch phối hợp một số đơn vị phân phối mở thêm điểm trung chuyển hàng hóa. Đồng thời, tăng nhiều chuyến xe lưu động, siêu thị mini bán hàng thiết yếu để hỗ trợ người dân.

Như báo Nhà báo & Công luận thông tin trước đó, nhằm ngăn chặn đầu cơ, tăng giá rau của quả, UBND TP Thủ Đức đã ra văn bản khẩn điều tiết, phân luồng trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Tại điểm trung chuyển tạm thời, chợ đầu mối sẽ bố trí chỗ đỗ xe, phân luồng, tập kết, trung chuyển hàng hóa tại hai bãi container trong khuôn viên chợ.

Đại diện Cục quản lý thị trường TP. HCM cũng cho biết sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán tại các chợ, cửa hàng và xử lý những trường hợp nâng giá bán không hợp lý các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để trục lợi.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguon-hang-on-dinh-nhung-gia-luong-thuc-thuc-pham-tai-cac-sieu-thi-van-tang-phi-ma-post144148.html