Nguồn lây các ca mắc Covid-19 mới ở Hà Nội
Hà Nội ghi nhận thêm 2 ổ dịch, 10 ca mắc mới. Đặc biệt, ổ dịch tại Đông Anh có nguy cơ cao do F0 làm việc tại khu công nghiệp, tiếp xúc nhiều người.
Chỉ sau 2 ngày (5-6/7), Hà Nội đã bùng phát 2 ổ dịch tại Đông Anh và Mỹ Đức.
Cộng dồn từ ngày 29/4 đến sáng 6/7, Hà Nội ghi nhận 142 ca mắc Covid-19 ở cộng đồng tại 20 quận, huyện. Đến nay, 126 ca F0 là trường hợp đã được cách ly tập trung; 206 ca mắc trong bệnh viện và 23 ca là người nhập cảnh đã được cách ly.
2 ổ dịch nguy cơ lây lan cao
Tại Đông Anh, bệnh nhân H.V.H. (làm bảo vệ tại khu vực cổng F5 của Công ty TNHH SEI thuộc khu công nghiệp Thăng Long) tiếp xúc với F0 ở Bắc Giang trong ngày 26-27/6 nhưng không khai báo. Từ ngày 28/6 đến ngày 3/7, ông H. vẫn đi làm. Ngày 1/7, khi bắt đầu ho sốt, được yêu cầu về nghỉ và khai báo ở trạm y tế xã nhưng người này không thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, trường hợp này cũng giấu lộ trình liên quan vùng có dịch khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 địa phương gặp khó khăn. Ông H. đã lây cho 3 người khác.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, người đầu tiên là L.T.T., nữ, 34 tuổi, cùng xóm trọ và thường xuyên tiếp xúc với H. Trường hợp này là nhân viên Công ty MOLEX. CDC Hà Nội đã rà soát sơ bộ và phát hiện được 12 F1 cùng phân xưởng với người này.
Hai trường hợp còn lại là N.X.S., nam, 46 tuổi và N.V.K., nam, 43 tuổi, đều làm bảo vệ cùng ca với H., tiếp xúc trực tiếp hàng ngày tại Công ty TNHH SEI.
Cả H. và 3 trường hợp này đều có địa chỉ tại Đông Anh, Hà Nội.
Qua điều tra, xử lý, CDC Hà Nội phát hiện tổng cộng 61 trường hợp F1 liên quan ổ dịch khu công nghiệp Thăng Long và Công ty MOLEX. Trong đó, 49 F1 của H. đã được lấy mẫu xét nghiệm, ngoài 3 trường hợp dương tính trên, tất cả mẫu còn lại đều âm tính với nCoV. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh tại khu vực này vẫn rất phức tạp.
Đối với ổ dịch tại huyện Mỹ Đức, nơi có 5 bệnh nhân cùng gia đình, cơ quan chức năng đã xác định 81 trường hợp F1.Người chồng là lái xe tự do, tiếp xúc F0 ở Hà Nam. Sau đó, vợ và 3 con của bệnh nhân cũng có kết quả dương tính.
Các trường hợp là F1 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm và chưa có kết quả. Số người liên quan là 28 và đã lấy mẫu được 16 trường hợp.
Ngoài ra, đáng chú ý, sáng 6/7, CDC Hà Nội cũng thông tin về một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV liên quan chuyến bay VN286 ngày 3/7 từ TP.HCM ra Hà Nội. Đó là P.H.G., nam, 42 tuổi, trú tại Tân Khai, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Trước đó, người này là lái xe taxi chở 4 bệnh nhân Thanh Hóa đi chuyến bay trên. Trường hợp này được phát hiện qua công tác giám sát chủ động.
Luôn có những ca lẩn khuất trong cộng đồng
Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nhận định với 2 ổ dịch, 10 ca mắc mới, đặc biệt, ổ dịch tại Đông Anh có nguy cơ cao do F0 làm việc tại khu công nghiệp, tiếp xúc nhiều người.
Theo TS Hùng, vấn đề F0 xuất hiện trong khu công nghiệp là rất nguy hiểm. Địa điểm này có số lượng người rất đông, nguy cơ lây nhiễm cho những nhân khác lớn, nhất là những người làm việc cùng công xưởng, nhóm.
Ngoài ra, đa số công nhân thường ở trọ tại các khu dân cư xung quanh nên nguy cơ lây nhiễm từ khu công nghiệp sang khu dân cư cũng hề nhỏ.
"Bắc Giang là ví dụ điển hình cho việc lây nhiễm trong khu công nghiệp nguy hiểm như thế nào. Các nhà quản lý khu công nghiệp cần sớm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng dịch sớm, chủ động, để đảm bảo an toàn sản xuất. Ngay khi phát hiện F0, cần phối hợp ngay với CDC để khoanh vùng, cách ly, dập dịch", TS Thân Mạnh Hùng nói.
Theo vị chuyên gia này, giải pháp lâu dài là tiêm phòng vaccine Covid-19 cho toàn bộ công nhân trong nhà máy và khu công nghiệp.
Từ ngày 26/6, UBND Hà Nội cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời kèm yêu cầu không quá 20 người trong một khu vực. Ngoài ra, Hà Nội cũng cho phép mở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn uống trong nhà. Ngay sau khi được nới lỏng các hoạt động xã hội, dịch vụ kinh doanh, người dân xuất hiện tâm lý muốn "xả hơi" sau thời gian dịch bệnh phức tạp ngoài cộng đồng.
"Một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý chủ quan sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới thật sự nguy hiểm. Nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất hiện hữu, chỉ cần một vài cá nhân thiếu cảnh giác, chúng ta lại quay trở lại trạng thái không ai mong muốn là giãn cách, thắt chặt", Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), lo ngại.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope (Mỹ), cho rằng thời gian tới, Hà Nội có thể xuất hiện thêm ca mắc trong cộng đồng. Vì vậy, thành phố nên đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở các khu vực, cơ sở có nguy cơ, người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh.
"Người dân phải cảnh giác cao độ vì luôn có những ca lẩn khuất trong cộng đồng. Khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước đạt khoảng 40%, chúng ta mới 'tạm ổn', hy vọng đẩy lùi được dịch Covid-19", TS Nguyễn Hồng Vũ, nhận định.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay: "Nếu xem xét kỹ, gốc rễ vấn đề là ý thức phòng, chống dịch của người dân. Cứ sau 7-10 ngày nỗ lực không có ca mới, Hà Nội lại có thêm bệnh nhân. Vì vậy, các kết quả phòng dịch mới là bước đầu. Việc dập dịch sớm đã và đang được khẩn trương tiến hành, tuy nhiên người dân chưa thực sự nghiêm chỉnh chấp hành khuyến cáo 5K".
Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) vẫn là khuyến cáo quan trọng cần được tuân thủ, để hạn chế tốt nhất khả năng lây nhiễm.
Theo bác sĩ Thái, với khoảng 60-75% người có miễn dịch trong cộng đồng, chúng ta có thể đẩy lùi và kiểm soát được Covid-19 trên toàn bộ quần thể. 25-40% dân số còn lại sẽ hưởng lợi nhờ miễn dịch người khác đã có.
"Ngoài bảo vệ chính bản thân người được tiêm, việc tiêm phòng vaccine Covid-19 lúc này còn thể hiện trách nhiệm với xã hội, giúp chúng ta nhanh chóng đạt số lượng người cần thiết để có miễn dịch cộng đồng", thạc sĩ Nguyễn Quốc Thái, nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguon-lay-cac-ca-mac-covid-19-moi-o-ha-noi-post1235303.html