Nguồn lợi thủy sản suy giảm - Ngư dân lao đao

'Biển đói' là từ mà ngư dân thường dùng để chỉ việc hải sản cạn kiệt. Cụm từ này xuất hiện nhiều hơn trong các câu chuyện của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi. Trên thực tế, tình trạng nguồn lợi thủy sản (NLTS) cạn kiệt đang khiến sinh kế của nhiều ngư dân tỉnh Cà Mau gặp khó khăn.

Ông Lê Văn Thiệt cho rằng việc sử dụng lưới mùng đánh bắt cá là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Hương

Ông Lê Văn Thiệt cho rằng việc sử dụng lưới mùng đánh bắt cá là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Hương

Thất thu nhiều hơn là trúng

Khi chúng tôi tới nhà, chị Trương Thị Chon và chồng – anh Lê Minh Hoàng, ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển đang ngồi vá lưới. Cậu con trai 14 tuổi của chị cũng được huy động làm công việc xếp lưới xuống thuyền. Chị Chon bảo: “Mấy bữa rồi biển động quá, ghe nằm bờ, đâu có ra biển được. Tôi nghe dự báo thời tiết mai kia biển êm rồi, nên tính cố gắng vá lưới cho xong để mai ra khơi”.

Cuộc sống của 5 người trong gia đình chị Chon phụ thuộc vào chiếc ghe công suất 20CV. Ghe nhỏ nên vợ chồng chị chủ yếu đánh bắt gần bờ. Mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 3 ngày. “Chúng tôi làm nghề lưới khoai (đánh bắt cá khoai-PV). Đợt nào trúng mùa, mỗi chuyến bán cá được khoảng 20 triệu đồng. Tôi chia cho bạn thuyền 10 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn dầu mỡ, gia đình tôi còn 6 triệu. Nếu trúng đều còn được dư dả. Nhưng bây giờ biển ít cá, thất thu nhiều hơn là trúng” - Chị Chon chia sẻ.

NLTS cạn kiệt khiến cuộc sống mưu sinh của nhiều ngư dân ở Cà Mau trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi đi dọc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển vào ngày nắng nhẹ. Khác với hình ảnh tàu thuyền ra vào cửa sông tấp nập của 5 năm về trước là nhịp sống trầm lặng, thưa vắng tàu thuyền. Tôi hỏi chuyện, chị Nguyễn Thị Diễm, cư dân định cư ở Rạch Tàu mấy chục năm nay thở dài bảo rằng: “Làm biển thất quá. Cứ tình trạng này, không biết sắp tới chúng tôi sẽ kiếm sống bằng cái gì nữa”.

Gia đình chị Diễm làm nghề đánh bắt cá gần bờ. Giống như nhiều gia đình khác ở ấp Rạch Tàu, sau khi đánh bắt về, chị Diễm chế biến, phơi khô rồi mới bán. Chị cũng thu mua thêm cá tươi của các ngư dân khác để chế biến khô cá. Lật trở cá đang phơi trên chiếc xảo, chị Diễm nói: “Mọi năm phơi nhiều lắm, không phải chỉ có như thế này đâu. Tháng 11, thường trúng mùa đậm nhưng năm vừa rồi thất thu quá. Mực không có, cá dứa, cá đuối cũng không”.

Như muốn cho tôi dễ hình dung về tình trạng suy kiệt NLTS, chị Diễm bảo rằng: “Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, ghe của tôi đánh bắt được khoảng 500kg cá tươi. Giờ sản lượng giảm tới 70%, thường thường chỉ bắt được 100kg”. Nghề biển trở nên bấp bênh do NLTS suy giảm, chị Diễm phải chăn nuôi heo, cá trê để kiếm thêm thu nhập như một bước chuẩn bị để chuyển đổi nghề. “Nếu nghề biển cứ trầy trật như bây giờ, sớm muộn gì tôi cũng phải tính đến chuyển nghề” - chị Diễm chia sẻ.

Nguồn lợi suy kiệt vì chỉ đánh bắt chứ không nuôi

Lý giải về sự thất thu của nghề biển, chị Diễm cho rằng, một phần do thời tiết, khí hậu bất thường, nhưng chủ yếu do sự khai thác quá mức của con người. Không chỉ vùng biển ven bờ, ngay cả những vùng biển xa cũng suy giảm tôm, cá. Ngư dân Lê Văn Thiệt, ở thị trấn Sông Đốc lý giải cặn kẽ: “Mình khai thác tận diệt quá. Bây giờ, ngư dân chủ yếu dùng lưới mùng, lưới 8 li. Loại lưới này thả xuống biển, cá to, cá nhỏ đều mắc hết, đến trứng cá còn bắt được thì còn đâu cá mà sinh sản nữa. Biển kiệt là đúng thôi. Cứ đánh bắt tận diệt kiểu này, vài năm nữa sẽ không có cá mà ăn”.

Ông Thiệt làm nghề đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến đi biển cần khoảng 15 tay lưới với cả tấn mực làm mồi câu, nhưng thời đó đã xa. “Giờ chỉ còn 7 tay lưới và cần vài chục kg mồi câu thôi” - ông Thiệt cho biết - “Năm 2020, tôi bị lỗ liên tục, có chuyến lỗ tới 150 triệu đồng”.

Thực tế, NLTS ven bờ của Cà Mau đang cạn kiệt rõ rệt. Một số loại thủy sản đặc hữu ngày một hiếm và đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn. “Do khai thác nhiều, kể cả trong mùa sinh sản nên sản lượng cá ngày càng giảm. Mấy năm nay, các loại cá đặc sản như cá dứa, cá đường hiếm lắm. Trước đây, tôi đánh được những con rất to, bây giờ, thỉnh thoảng mới bắt được hai loại cá trên nhưng bé xíu. Tôi lo rằng vài năm nữa, hai loại cá này sẽ không còn” – anh Phạm Văn Út, ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi chia sẻ.

Ngư dân ở Rạch Tàu thường chế biến, phơi khô cá rồi bán ra thị trường. Ảnh: Xuân Hương

Ngư dân ở Rạch Tàu thường chế biến, phơi khô cá rồi bán ra thị trường. Ảnh: Xuân Hương

Nói về nguyên nhân NLTS cạn kiệt, ông Thiệt nói rằng: “Mình chỉ bắt chứ không nuôi”. Rồi ông lấy ví dụ, các nước xung quanh đều có quy định nghiêm ngặt về việc khai thác thủy sản như quy định kích cỡ đánh bắt, vùng đánh bắt. Nếu không đạt kích cỡ đó, họ sẽ không bắt. Vì thế, ông Thiệt cho rằng, trước hết phải cấm dùng lưới mùng trong đánh bắt cá.

Vùng biển Cà Mau là một trong những ngư trường trọng điểm của nước ta. Tuy nhiên, sự khai thác quá mức trong những năm gần đây đã khiến NLTS bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, xây dựng các công trình ven biển, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản.

Việc bảo vệ và tái tạo NLTS không thể trong một sớm, một chiều mà cần có sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền và người dân. Trước tiên, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, kích thích họ chủ động tham gia bảo vệ NLTS, không khai thác kiểu tận diệt. Cùng với đó, các địa phương ven biển, cơ quan chức năng cần sớm giải quyết tình trạng nuôi, khai thác hải sản manh mún, nhỏ lẻ. Cần quy hoạch, đầu tư sắp xếp lại nghề khai thác biển theo hướng nâng cao tính hiệu quả, bảo vệ NLTS. Đồng thời xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, cần xử phạt thật nghiêm các trường hợp khai thác bằng xung điện, thuốc nổ, các hoạt động khai thác kiểu tận diệt.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguon-loi-thuy-san-suy-giam-ngu-dan-lao-dao-post439575.html