Nguồn lực cho y tế dự phòng ở một số địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Nguồn lực cho y tế dự phòng tại nhiều địa phương đang gặp khó khi nguồn nhân lực chuyên môn thiếu thốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.

Ngày 31-8, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Giải pháp tài chính bền vững cho y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS”.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Thương cho biết, thực trạng nguồn lực cho y tế dự phòng tại địa phương đang gặp khó về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cụ thể, nguồn nhân lực phục vụ tại các đơn vị cơ bản đảm bảo số lượng và chuyên môn công tác được giao, tuy nhiên đang phải kiêm nhiệm nhiều hoạt động chuyên môn khác.

Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn nhân lực cho y tế dự phòng tại tỉnh Nghệ An cũng đang gặp nhiều bất cập; mặc dù đã được Sở Y tế và các ban ngành rất quan tâm nhưng do quy định về định mức biên chế sự nghiệp thì khả năng đáp ứng nguồn nhân lực y tế dự phòng là chưa đủ, chưa đáp ứng được khi có dịch lớn xảy ra.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cơ sở vật chất, trang thiết bị vì sử dụng nhiều năm nên đang bị xuống cấp, phân tán gây khó khăn cho việc quản lý và nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho cán bộ, viên chức.

Ngoài ra, nhiều tòa nhà cũ đã bị phá bỏ nên thiếu văn phòng làm việc, thiếu kho để lưu trữ, bảo quản hàng hóa, vật tư, sinh phẩm. Các phần mềm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều bất cập, chồng chéo chưa đồng bộ,…

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, địa phương cũng đang gặp khó khăn khi một số bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp và xu hướng quay trở lại. Đặc biệt, bệnh sốt rét tại huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu (năm 2021, 2022, mỗi năm phát hiện hơn 100 người mắc có ký sinh trùng, năm 2023 vẫn tiếp tục gia tăng); lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao...

Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại một số huyện vùng sâu, vùng cao khó khăn của tỉnh còn chưa đảm bảo theo vị trí việc làm, nhất là các Trạm Y tế tuyến xã. Thiếu cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ làm công tác y tế dự phòng và có chuyên môn cao; năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở chất lượng chưa đồng đều.

Chưa hết, nhiều cơ sở y tế đã xuống cấp hoặc không phù hợp về công năng do xây dựng cũ trước đây. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu sau khi sáp nhập, ngân sách bố trí sửa chữa nâng cấp còn hết sức hạn chế, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của đơn vị dự phòng tuyến tỉnh.

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Sở Y tế Lai Châu đề nghị Trung ương tiếp tục vận động, thu hút các tổ chức Dự án quốc tế hỗ trợ cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác y tế dự phòng đối với tỉnh Lai Châu trong năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu tiên cho tỉnh miền núi, hải đảo để đảm bảo nâng cao năng lực nguồn lực cho công tác y tế dự phòng.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Y tế cần ban hành hệ số hao phí vaccine phòng Covid-19, định mức vaccine, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác tiêm chủng để địa phương có cơ sở căn cứ xây dựng định mức. Đồng thời, đề nghị cấp hỗ trợ vật tư tiêu hao như bơm kim tiêm, hộp an toàn, sổ sách tiêm chủng để phục vụ cho hoạt động chuyên môn.

PHẠM NGA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguon-luc-cho-y-te-du-phong-o-mot-so-dia-phuong-dang-gap-nhieu-kho-khan-vuong-mac-post703852.html