Nguồn lực hiện đại hóa nông nghiệp

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới và Việt Nam chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và dịch Covid-19, thì chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) cho giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua, thực sự là một chính sách đúng đắn, thiết thực, tạo ra động lực cho hàng triệu nông dân trong cả nước.

Ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ảnh minh họa

Ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ảnh minh họa

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước vì đây là chính sách đang được thực hiện trong suốt 20 năm qua. Mà đây là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Vốn và đất đai là hai nguồn lực quan trọng nhất đối với tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Cùng với nhiều chính sách khác, việc miễn thuế SDĐNN được đánh giá có tác động tích cực, góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm bớt khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế, đến thời điểm này, cả nước mới có trên 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước), trong đó chỉ có 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. So với tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp trên còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong hội nhập.

Đặc biệt, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, cũng là đối tượng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Việc thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với người nông dân cùng với chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra thể chế chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội vào nông nghiệp.

Nguồn lực hỗ trợ trực tiếp người nông dân, không chỉ tạo động lực để người dân gắn bó với đồng ruộng để làm giàu từ ruộng vườn, mà còn khuyến khích người dân tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần hiện thực hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.

Mặt khác, trong xu hướng toàn cầu hóa, chính sách miễn thuế SDĐNN sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 3%/năm đến năm 2030.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc miễn thuế SDĐNN sẽ mang đến một số tác động thiếu tích cực, tạo cơ hội cho tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nông dân trong sản xuất. Đáng lo ngại khi một số địa phương đang có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và việc thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận), gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai.

Song, các chuyên gia khẳng định, hiện tượng ruộng đất hoang hóa không phải do việc miễn thuế SDĐNN, mà xuất phát từ các nguyên nhân như hạn hán, thiếu nước, dịch bệnh, không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động...

Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ, đảm bảo sự minh bạch trong thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện pháp luật về đất đai, trong đó có thuế liên quan đến đất đai.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguon-luc-hien-dai-hoa-nong-nghiep-post429919.html