Nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô

Sáng 23-4, thông tin về Chương trình số 06-CTr/TU tại hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Thành phố xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đây chính là điểm mới về quan điểm của Đảng bộ thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong giới thiệu chương trình 06-CTr/TU tại hội nghị.

Khơi dậy lòng tự hào và tình yêu Hà Nội

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” có sự kế thừa và phát triển trên cơ sở Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã có những chuyển biến tích cực như nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa đã tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về giáo dục - đào tạo, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 75%, hoàn thành sớm 2 năm so với kế hoạch...

Tuy nhiên, kết quả trên cả 3 lĩnh vực nêu trên đều còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn thiếu, chưa đồng bộ. Văn học - nghệ thuật chưa huy động được hết tiềm năng sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ trí thức - văn nghệ sĩ. Hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có lúc, có nơi còn hạn chế. Chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc thực hiện quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Hà Nội. Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chuyển biến chưa đồng đều, thiếu bền vững...

Chương trình số 06-Ctr/TU được xây dựng vừa nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, vừa thực hiện những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn mới. Trong đó, thành phố quyết tâm phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đặc biệt, Hà Nội xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

“Điểm nhấn về mục tiêu của chương trình là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; đặc biệt là khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của mỗi người dân

Quang cảnh hội nghị.

Cụ thể hóa mục tiêu, Thành ủy Hà Nội đề ra 18 chỉ tiêu theo 7 nhóm và 3 yêu cầu trong Chương trình số 06-CTr/TU.

Đáng chú ý, Hà Nội phấn đấu có tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa hằng năm (tính trên tổng số đăng ký) đạt 70-73%; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao trở lên đạt 31% trở lên; đóng góp 30% lực lượng huấn luyện viên, vận động viên và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực...

Thành phố cũng phấn đấu, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 đến 85%; xây dựng thêm 3-5 trường liên cấp ngang tầm các nước trong khu vực...

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Thành ủy Hà Nội đề ra 14 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp. Trong đó, Thành ủy xác định xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị; phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội... Phát triển văn hóa, xây dựng con người là sự nghiệp chung, có trách nhiệm quan trọng của từng người dân.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành phố xác định sẽ ưu tiên đầu tư từ ngân sách thành phố cho phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; triển khai tích cực, có hiệu quả xã hội hóa đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã và đang triển khai; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa tương xứng với tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô...

Giải pháp quan trọng trong Chương trình số 06-CTr/TU là cần sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế đặc thù trong lĩnh vực di sản, nghệ thuật, văn hóa cơ sở, thể dục, thể thao, giáo dục…, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; có phương thức lồng ghép, tích hợp các nhiệm vụ của cơ sở, ban, ngành với nhiệm vụ phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/997137/nguon-luc-noi-sinh-quyet-dinh-su-phat-trien-ben-vung-cua-thu-do