Nguồn lực quan trọng góp phần dựng xây đất nước hùng cường
Với hơn 6 triệu người Việt sinh sống tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới - trong đó có những doanh nhân thành đạt và chuyên gia, trí thức tên tuổi - kiều bào có những đóng góp quan trọng và là một nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Những đóng góp quan trọng của kiều bào
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức ngày 22-8, tại Thủ đô Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước. Sự kiện có sự tham dự của hơn 600 đại biểu, trong đó có hơn 400 đại biểu kiều bào. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện và có những phát biểu tâm huyết.
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho dựng xây đất nước. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh vốn đầu tư và kiều hối, nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực ngày càng quan trọng với sự phát triển của đất nước ta.
Năm 2023, lượng kiều hối về Việt Nam khoảng 16 tỷ USD, đưa tổng lượng kiều hối chuyển về nước trong 30 năm qua đạt khoảng 230 tỉ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những con số về đầu tư, kiều hối có thể định lượng, nhưng bên cạnh đó “còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm”. Thời gian gần đây, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam ngày càng nhiều. Trí thức kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực đất nước quê hương trong những lĩnh vực theo xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Kiều báo là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam
Chia sẻ tâm tư, nguyện vọng khi về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 tại Hà Nội cũng như tại các sự kiện này trước đó, nhiều kiều bào đánh giá cao việc đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam; đồng thời khẳng định sẵn sàng về phục vụ cho quê hương, đất nước. Có thể khẳng định, dù ở bất cứ nơi đâu, kiều bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố. Trong công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc ngày nay, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Phát huy nguồn lực kiều bào là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng đất nước hùng cường mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Với quan điểm nhất quán và xuyên suốt: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”… Đảng và Nhà nước ta luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, đồng thời có những chủ trương, chính sách, chương trình để thể chế hóa. Đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó là các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và gần đây nhất Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12-KL/TW).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, một trong những điểm mới của Kết luận số 12-KL/TW là thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, song đây là lần đầu tiên quan điểm này được chỉ rõ trong một văn bản của Bộ Chính trị. Trong các chuyến công tác nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian gặp cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo sở tại quan tâm tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con.
Phát biểu với kiều bào tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết tâm tư, nguyện vọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương, đất nước”, đó là phương châm của Chính phủ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh…
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Với tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại tốt đẹp, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò cầu nối Việt Nam với thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước”.