Nguồn lực quan trọng từ kiều hối

Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng mạnh, không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, bổ sung dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, nguồn lực từ kiều hối góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh, tạo động lực tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Kiều hối đạt 16 tỷ USD trong năm 2023

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, theo số liệu báo cáo của các đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối, năm 2023, lượng kiều hối chuyển về nước ta đạt 16 tỷ USD, tăng 32,5% so với năm 2022. Trong đó, tổng lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 8,92 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh dự báo lượng kiều hối năm 2024 chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.

Trong năm 2023, nhiều quốc gia đã tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, các chính sách y tế nới lỏng, dẫn tới lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng lên. Điều này góp phần làm cho lượng kiều hối gửi về tăng cao so với giai đoạn dịch Covid-19. Ngoài ra, kiều bào ở Anh, Mỹ, Canada, châu Âu... dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao ở nước sở tại nhưng vẫn quan tâm, hướng về quê hương để hỗ trợ thân nhân và gia đình của mình.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về thành phố ngoài các yếu tố liên quan trực tiếp đến kiều bào, người lao động ở nước ngoài, tăng trưởng kinh tế thế giới... thì tính chất thời vụ cũng góp phần quan trọng. Điều đó thể hiện rõ nhất vào các dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về cao hơn bình quân chung của các tháng khác trong năm.

 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: VĂN THÀNH

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: VĂN THÀNH

Các chuyên gia kinh tế nhận định, kiều hối không chỉ hỗ trợ nâng cao đời sống của người dân trong nước mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng góp phần phát triển kinh tế đất nước. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính-ngân hàng cần chú trọng việc gia tăng tiện ích dịch vụ chuyển và nhận, chi trả kiều hối để thu hút nguồn ngoại tệ quan trọng này. Bên cạnh đó, trong quá trình chi trả kiều hối, các ngân hàng cần tư vấn cho người nhận chuyển sang đồng Việt Nam và mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng để vừa tối ưu hóa lợi ích cho người nhận tiền, vừa giữ được nguồn ngoại tệ trong hệ thống.

Hiện nay, xu hướng dịch chuyển nơi sinh sống và làm việc tại nước ngoài của người Việt Nam ngày càng lớn. Cùng với đó là lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có xu hướng tăng đều hằng năm. Từ đó dẫn tới nhu cầu chuyển, nhận tiền kiều hối từ các quốc gia trên thế giới về Việt Nam qua kênh ngân hàng ngày càng tăng cao. Nhận thức được điều đó, trong các năm qua, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh hoạt động kết nối, thanh toán quốc tế với các ngân hàng và đối tác nước ngoài thông qua một số hình thức kết nối đa phương và song phương với gần 1.000 ngân hàng đại lý trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới. Đặc biệt là tại các quốc gia có số lượng người Việt Nam sinh sống và lao động lớn như: Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngoài các đại lý được NHNN Việt Nam cấp phép, các phòng giao dịch ngân hàng cũng đang trực tiếp đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam cho Việt kiều về nước có nhu cầu chi tiêu bằng tiền nội tệ. Bên cạnh đó, nhiều Việt kiều hiện nay chi tiêu bằng thẻ tín dụng quốc tế, các khoản thanh toán trên địa bàn cũng là một nguồn tài chính đưa vào lưu thông thanh toán.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông tin, từ ngày 15-12-2023 đến hết ngày 15-2-2024, tất cả khách hàng sẽ nhận ngay phần quà trị giá 100.000 đồng sau khi hoàn tất giao dịch nhận hoặc chuyển tiền Western Union tại quầy giao dịch của Agribank trên phạm vi toàn quốc. Chuyển tiền kiều hối qua Agribank là dịch vụ dành cho Việt kiều, người lao động Việt Nam gửi tiền từ nước ngoài về cho thân nhân, gia đình. Agribank là đại lý chi trả kiều hối lớn và uy tín nhất của Western Union tại Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ chuyển tiền đi và dịch vụ chi trả tiền Western Union tại tất cả điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc. Hiện tại, Western Union là nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 135 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chuyển tiền ở khoảng 510.000 địa điểm tại hơn 200 quốc gia. Các ngân hàng tham gia vào hoạt động dịch vụ chuyển tiền kiều hối như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, EximBank... cũng có nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng chuyển tiền quốc tế dịp cuối năm.

Tạo thuận lợi cho Việt kiều đầu tư trong nước

Theo ông Peter Hồng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Có khoảng 600.000 đến 700.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao. Trong đó, rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên (chiếm 20%) và nhiều doanh nhân, trí thức muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh, gắn bó với quê hương. Do vậy, nhu cầu muốn có căn nhà ở quê hương để đi về hoặc ở lại làm việc, kinh doanh, học tập... của kiều bào là rất nhiều.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam cho hay: “Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nguồn ngoại tệ về trong nước, từ đó cung cấp ngoại tệ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu thiếu nguồn lực quan trọng này thì kinh tế sẽ gặp khó khăn”.

Hiện nay, kiều hối đến từ hai nguồn chính là kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước và người đi xuất khẩu lao động. Việt Nam có lực lượng Việt kiều rất lớn ở nước ngoài, do đó để thu hút kiều hối, chính quyền cần có chính sách tạo thuận lợi cho Việt kiều đầu tư về trong nước, ví dụ như việc cho phép Việt kiều mua nhà tại Việt Nam. Ngoài ra, cần tạo thị trường đưa lao động chất lượng cao ra nước ngoài, từ đó gia tăng số lượng kiều hối hằng năm, ông Đinh Thế Vinh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Đây là nguồn tài chính do những kiều bào ở nước ngoài gửi về cho thân nhân tại Việt Nam để chữa bệnh, tiêu dùng, đầu tư, mua sắm... Nguồn kiều hối này có nét đặc thù là nguồn tài trợ không phải hoàn trả, không phải nguồn cho vay, không gắn kết với thời hạn trả lãi suất, không ràng buộc người nhận tiền. Trong khi đó, với các nguồn ODA thì Chính phủ phải cam kết sử dụng lao động, công nghệ từ đất nước hỗ trợ vốn cho Việt Nam...

Để thu hút kiều hối, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, đối với kiều bào ở nước ngoài thì Nhà nước cần có những thông tin đầy đủ, rõ ràng về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời các cơ quan, bộ phận hỗ trợ Việt kiều khi họ về Việt Nam cần bảo đảm tốt các vấn đề liên quan đến y tế, an ninh, thị thực... Còn đối với người nhận tiền kiều hối do kiều bào từ nước ngoài gửi về, cần khuyến khích họ sử dụng một phần tiền tiêu dùng, phần còn lại thì đầu tư vào các dự án tại Việt Nam.

NGUYỄN ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nguon-luc-quan-trong-tu-kieu-hoi-764133