Nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp vượt bão
Bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề đối với 26 tỉnh thành phố phía Bắc. Nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, khiến doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng khó hơn.
Vì vậy, việc tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực về thuế, phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thiệt hại nặng nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, thoát khỏi khó khăn là rất cần thiết trong lúc này.
Theo thống kê, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 81.503 tỷ đồng. Cụ thể, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, lên tới 24.876 tỷ đồng; Hải Phòng 12.249 tỷ đồng; Lào Cai 6.687 tỷ đồng; Yên Bái 5.738 tỷ đồng; Hòa Bình 1.065 tỷ đồng; Bắc Giang 5.000 tỷ đồng; Hải Dương 7.498 tỷ đồng; Hưng Yên 3.637 tỷ đồng...
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế; cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương. Đồng thời, kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, hậu quả của bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 giảm từ 0,18-0,2%.
Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng từ 6,8-7%.
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu cục thuế địa phương hướng dẫn miễn giảm, gia hạn tiền thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp sau bão lũ.
Tổng cục Thuế cho biết: Theo Luật Quản lý thuế 2019, quy định các trường hợp người nộp thuế rơi vào trường hợp bất khả kháng do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh… mà ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh thì sẽ được gia hạn nộp thuế một phần hay toàn bộ từ 1-2 năm. Người nộp thuế sẽ không bị phạt và tính tiền chậm nộp trong khoảng thời gian này.
Còn đối với thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh thì có thể được khấu trừ toàn bộ, tùy từng trường hợp. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì với phần giá trị tổn thất do thiên tai mà chưa được bồi thường thì doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, người nộp thuế cũng có thể được ưu đãi về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp được biết và giải quyết nhanh chóng hỗ trợ để người nộp thuế có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tại Quảng Ninh - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, Cục Thuế tỉnh đã chủ động gửi thông tin về chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế gặp thiên tai để người nộp thuế biết và chủ động thực hiện các thủ tục để được hưởng quyền lợi.
Ông Nguyễn Chí Bắc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho hay, các thủ tục, hồ sơ cần triển khai thực hiện Cục Thuế tỉnh đã công khai trên các trang thông tin và hướng dẫn trực tiếp cho người nôp thuế. Trường hợp nào thắc mắc Cục Thuế đều có hướng dẫn trả lời bằng điện thoại hay bằng văn bản trực tiếp.
Tại Hải Phòng, ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hải Phòng bày tỏ, Cục Thuế đã gửi thư ngỏ hướng dẫn các chính sách thuế liên quan đến trường hợp người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Theo đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão lũ sẽ được gia hạn nộp thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền chậm nộp, miễn phạt vi phạm hành chính.
Là doanh nghiệp bị thiệt hại hơn 180 tỷ đồng trong bão số 3 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ, việc Chính phủ ban hành chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế là một chủ trương rất kịp thời trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính. Từ đó, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng được ổn định và phục hồi.
Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), xét về ý nghĩa tinh thần, các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế là một sự động viên lớn cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Xét về phương diện kinh tế, chính sách gia hạn nộp, miễn, giảm thuế sẽ giúp người dân được ổn định đời sống. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư cơ sở vật chất và trang trải các chi phí đầu vào, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Xuân Trường cho rằng, để người nộp thuế chủ động thực hiện các thủ tục được hưởng quyền lợi các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế trong trường hợp gặp thiên tai, các Cục Thuế cần tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền chính sách thuế. Đặc biệt là chính sách gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến với mọi tầng lớp dân cư. Đồng thời, sớm sử dụng công nghệ AI để tạo các chatbox trả lời vướng mắc và hướng dẫn thủ tục hành chính thuế trên website của cơ quan thuế các cấp.
Tuy nhiên theo ông Lê Xuân Trường, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, bên cạnh chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế gặp thiên tai, cần thực hiện các chính sách khác như: an sinh xã hội, đầu tư công trong phục hồi, phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ tín dụng.