Nguồn máu điều trị khan hiếm, bác sĩ kêu gọi hiến tặng cứu người
Trước tình trạng nguồn máu khan hiếm, Trung tâm Huyết học Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) kêu gọi mọi người sẻ chia những giọt máu của mình để cứu giúp người bệnh.
Nhu cầu máu cấp cứu, điều trị rất lớn
Trung tâm Huyết học Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) mỗi tháng cần khoảng 4.500 đơn vị máu để cung cấp đủ cho 10 cơ sở y tế tại khu vực miền Trung bao gồm tỉnh Quảng Trị, TP Huế, TP Đà Nẵng. Nhu cầu máu điều trị rất lớn, tuy nhiên nguồn khan hiếm gây ra không ít khó khăn, nhất là tại các khoa điều trị chuyên sâu về máu.
Đơn cử, Khoa Huyết học Lâm sàng (Bệnh viên Trung ương Huế) là nơi điều trị các bệnh về máu, mỗi ngày có từ 120 đến 140 bệnh nhân nội trú, trong đó khoảng 70% cần truyền máu và các chế phẩm máu. Ngoài ra, bệnh nhân tại các khoa thận, lọc máu, mổ tim, ghép tạng cũng sử dụng lượng lớn máu.
Theo Trung tâm Huyết học Truyền máu, trong tháng 6/2025 đơn vị chỉ tiếp nhận được 2.800 đơn vị máu và trong nửa đầu tháng 7 mới có thêm 1.450 đơn vị. Tình trạng khan hiếm nguồn máu diễn ra liên tục từ đầu tháng 6 mặc dù Trung tâm tích cực vận động nhiều cơ quan, đơn vị tham gia hiến máu.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia hiến máu tình nguyện.
ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, vào mỗi dịp hè, tình trạng khan hiếm máu xảy ra trên phạm vi cả nước do lượng người hiến máu chính là sinh viên giảm sút vì về quê nghỉ hè hoặc bước vào kỳ thi. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng máu và tiểu cầu tại các bệnh viện vẫn duy trì ở mức cao, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị.
Trước tình hình này, ngày 11/7 vừa qua, bệnh viện tổ chức chương trình "Blouse trắng - Trái tim hồng" nhằm kêu gọi cán bộ, viên chức bệnh viện tình nguyện tham gia. Theo đó, chương trình thu về gần 400 đơn vị máu và tiểu cầu. Trong đó, có nhiều y, bác sĩ có thành tích hiến máu từ 5 - 15 lần, đặc biệt bác Nguyễn Văn Anh hiến máu 50 lần, kỹ thuật viên Đỗ Văn Minh hiến máu 40 lần...
ThS.BS Tôn Thất Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu cho biết, việc nguồn máu suy giảm ngoài nguyên nhân sinh viên nghỉ hè còn xuất phát từ việc Hội chữ thập đỏ cấp xã (cũ) không còn hoạt động. Trong khi đây là lực lượng quan trọng, cánh tay nối dài, trực tiếp vận động người hiến máu ở địa phương, giúp ổn định nguồn máu phục vụ bệnh nhân.
"Việc thiếu hụt nguồn máu ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc điều trị người bệnh. Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể hiến tặng từ những trái tim nhân ái, nguồn máu an toàn nhất cứu sống người bệnh là nguồn máu từ những người khỏe mạnh", ThS.BS Tôn Thất Minh Trí nói.
Tăng cường vận động hiến máu tình nguyện
Trước tình trạng khan hiếm nguồn máu điều trị như hiện nay, lãnh đạo Trung tâm Huyết học Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) kêu gọi người dân có cân nặng từ 45kg trở lên đối với nam và từ 42kg trở lên đối với nữ, khỏe mạnh đến Trung tâm để tham gia hiến máu.
"Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội và có lợi cho sức khỏe. Hiến máu giúp tăng tạo máu mới, làm giảm quá tải sắt, lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn.
Mỗi người chúng ta sẽ là một "Đại sứ của lòng nhân ái", sẻ chia những giọt máu của mình cứu giúp người bệnh để họ có cơ hội được sống hoặc kéo dài sự sống", ThS.BS Tôn Thất Minh Trí chia sẻ.

Trung tâm Huyết học Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) là nơi tiếp nhận nguồn máu hiến tặng thường xuyên tại Huế.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Huế, trong 7 tháng đầu năm 2025, các đơn vị trên địa bàn tiếp nhận hơn 18.600 đơn vị máu, đạt hơn 60% so với chỉ tiêu 30.873 đơn vị máu đề ra cho cả năm.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn máu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân 5 tháng còn lại của năm 2025 và đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Lãnh đạo UBND TP Huế yêu cầu tăng cường tuyên truyền vận động những người có đủ sức khỏe tình nguyện tham gia hiến máu, đảm bảo cung cấp máu an toàn, phục vụ cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện.
UBND các xã, phường thành lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tại địa phương do Phó Chủ tịch UBND xã, phường làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo tuyên truyền, vận động hiến máu, đảm bảo đạt chỉ tiêu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, các địa phương phấn đấu đạt tỷ lệ người dân tham gia hiến máu tình nguyện từ 1,5% dân số trở lên. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn vận động ít nhất 30% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia hiến máu.