Nguồn nhân lực dồi dào giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh

Khi công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, nguồn lao động dồi dào giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam.

Hiện cả nước chỉ có khoảng 7% công nhân có trình độ bậc 6, bậc 7 và có tới 75% công nhân bậc 1, bậc 2 và 3. Đây là thông tin do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây.

Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” theo Quyết định 89 của Chính phủ, từ năm 2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”.

Sau hơn 5 năm thực hiện, cả 5 mục tiêu của đề án gồm: Nâng cao trình độ học vấn; nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; nâng cao kiến thức chính trị, pháp luật; nâng cao kiến thức về kỹ năng sống và nâng cao kiến thức về ngoại ngữ, tin học của công nhân lao động đều không đạt. Có nhiều nguyên nhân khiến các mục tiêu của đề án không đạt, gồm cả nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý, người lao động và người sử dụng lao động.

Ứng dụng khoa học công nghệ thời đại công nghiệp 4.0 cần nhiều nhân lực chất lượng cao.

Ứng dụng khoa học công nghệ thời đại công nghiệp 4.0 cần nhiều nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực tế kiểm tra tại các địa phương cho thấy, hiện đa số người sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện trách nhiệm đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề, thi nâng bậc nghề cho công nhân lao động.

“Tỷ lệ công nhân học để nâng cao về trình độ học vấn cũng còn hạn chế, đặc biệt là công nhân tay nghề cao hiện rất hiếm. Có 7% là công nhân có trình độ bậc 6, bậc 7, còn đa số, tới 75% công nhân bậc 1, bậc 2 và 3. Bởi lẽ, doanh nghiệp cũng không muốn nâng cao tay nghề cho công nhân vì phải trả lương cao, do đó 5-7 năm không thi tay nghề”, ông Tiêm cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, nên nguồn lao động dồi dào giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam.

Vì vậy, việc nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân lao động vẫn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và cần sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục, tổ chức, đoàn thể, người lao động, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng mà thị trường lao động cần ngày càng phong phú, các nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày, nên không thể chỉ trông chờ vào quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục, mà doanh nghiệp phải đồng hành để cùng đào tạo nâng cao tay nghề, kiến thức, kỹ năng cho công nhân lao động.

“Nếu như chỉ trông chờ vào đào tạo 3-4 năm ở trường Đại học hay một thời gian rất ngắn ở trong các trường nghề và luôn luôn nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, phải làm đúng nghề, quan điểm đó cần được điều chỉnh. Hệ thống trường Đại học và các trường nghề cũng sẽ hướng đến trang bị những kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng thích ứng, khả năng tự học, chứ không có những chương trình mà có thể trang bị được tất cả mọi thứ như doanh nghiệp mong muốn. Doanh nghiệp phải tham gia đào tạo cùng, đào tạo tiếp chứ không nên phàn nàn là phải đào tạo lại”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý.

Khi các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo với cơ sở giáo dục thì sẽ đề xuất được các chương trình đào tạo phù hợp theo nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp, của công nhân lao động, từ đó cũng sẽ tạo động lực để người lao động tham gia vào các chương trình đào tạo./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguon-nhan-luc-doi-dao-gia-re-khong-con-la-loi-the-canh-tranh-868871.vov