'Nguồn sáng' trong tình yêu thương
Người xưa nói 'Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay', vậy mà nhiều người sinh ra không may mắn đã bị mù, nhưng bằng ý chí, nghị lực của bản thân, họ đã nỗ lực làm việc để tự nuôi sống bản thân, tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Một trong những 'nguồn sáng' đang đem lại niềm tin và cuộc sống cho những người mù Sơn La, đó là nghề tẩm quất cổ truyền.
Là người đầu tiên có ý tưởng và phát triển nghề tẩm quất cổ truyền cho người mù trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ: Tẩm quất cổ truyền là nghề phù hợp khả năng người mù và có thu nhập ổn định, từ khi thành lập Hội năm 2012 đến nay, chúng tôi luôn chủ động đến các huyện, thành phố thuyết phục, vận động người mù tham gia tổ chức Hội, rèn luyện kỹ năng sống, học nghề, hòa nhập cộng đồng là người có ích cho xã hội… Đến nay, Hội đã mở được 18 lớp tẩm quất cổ truyền cho hơn 250 hội viên. Đồng thời, tạo việc làm cho hội viên có thu nhập ổn định từ 2,5- 5 triệu đồng/tháng/hội viên. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ 76 lượt hội viên vay hơn 300 triệu đồng để mở cơ sở tẩm quất riêng. Đến nay, toàn tỉnh có 19 cơ sở tẩm quất cổ truyền.
Tòng Thị Biên là cô gái dân tộc Thái quê ở bản Bon, xã Mường Bon (Mai Sơn) đã có thâm niên hơn 8 năm gắn bó với nghề tẩm quất cổ truyền. Sau trận đau đầu năm 14 tuổi, hai mắt chị mờ dần, sau đó mất hẳn thị giác, từ đó, chị không tiếp tục đến trường học được nữa. Năm 2013, được Hội Người mù tỉnh vận động, hỗ trợ, chị theo học lớp đào tạo nghề tẩm quất cổ truyền dành cho người mù. Trong quá trình học, chị quen biết anh Quàng Văn Nơi, quê ở xã Nà Nghịu (Sông Mã), cuộc tình giữa cô gái mù, chàng trai khiếm thị nảy sinh từ đó, rồi họ nên vợ nên chồng.
Sau 3 tháng học nghề thành thạo, chị được nhận vào làm việc tại Cơ sở tẩm quất cổ truyền Trần Sinh, tích lũy được kinh nghiệm và tiền tiết kiệm trong gần 8 năm làm nghề xoa bóp, tẩm quất, năm 2019, được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng tiền vốn, chị cùng chồng thành lập Cơ sở xoa bóp, tẩm quất Biên Nơi, tổ 1, phường Quyết Tâm, giờ cơ sở của chị còn tạo việc làm cho 1 hội viên là người mù có thu nhập ổn định.
Bù lại khiếm khuyết về đôi mắt, chị Biên lại có đôi tay mềm mại, dẻo dai, tay nghề cao nên cơ sở của anh chị đã tạo được uy tín hỗ trợ chữa trị cho nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là bệnh đau mỏi lưng, vai gáy, thoái hóa xương sống. Anh Nguyễn Xuân Dương, tổ 3, phường Tô Hiệu (Thành phố) bộc bạch: Tôi bị đau lưng, vai gáy nên thường đến Cơ sở xoa bóp, tẩm quất Biên Nơi để chữa trị; thấy tình trạng sức khỏe cải thiện hơn rất nhiều, dễ thở hơn, đi đứng thoải mái, đỡ đau hơn, nên tôi sẽ điều trị lâu dài tại đây.
Chúng tôi tiếp tục đến cơ sở tẩm quất, xoa bóp của ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội người mù, ở bản Buổn, phường Chiềng Cơi (Thành phố) thật sự ấn tượng bởi sự ngăn nắp gọn gàng trong những căn phòng phục vụ khách, tại đây có 3 phòng tẩm quất, giường nằm hiện đại được trang bị máy lạnh và 1 phòng xông hơi, mở cửa đón khách từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày, giá dịch vụ tẩm quất 100.000 đồng/tiếng; xông hơi 50.000 đồng; giác hơi, chườm đá nóng, xoa bóp thuốc 20.000 đồng/dịch vụ. Hiện, cơ sở của ông Sinh đang tạo công ăn việc làm cho 5 hội viên, ngoài lo chỗ ngủ, sinh hoạt, mỗi kỹ thuật viên có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng, ông còn tạo điều kiện cho nhiều học viên sau khi học nghề chưa có tay nghề làm tại cơ sở của gia đình, vừa là hướng dẫn để hội viên nâng cao tay nghề và có thu nhập thêm.
Thoăn thoắt đôi tay tẩm quất cho khách, anh Hà Văn Hải, kỹ thuật viên Cơ sở tẩm quất Trần Sinh, cho hay: Tôi đã đi làm 3 tháng, mới đầu tay nghề còn chưa thuần thục, nhưng được thầy Sinh nhận vào làm và hướng dẫn tận tình thêm về nghề, bây giờ tôi đã quen việc và có thu nhập, tôi rất vui bởi mình đã tự lo được cho bản thân và còn gửi được tiền về giúp gia đình. Gia đình tôi còn được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ 45 triệu đồng làm nhà, gia đình tôi rất biết ơn.
Ngồi lại chuyện trò với các anh, chị đang làm việc tại Cơ sở tẩm quất Trần Sinh mới thấy nghề cũng có nhiều vất vả và trong quá trình làm nghề đã có không ít khách hàng có những hành vi thiếu văn hóa với người mù. Mặc dù vậy, mỗi hội viên đều nỗ lực, vượt qua khó khăn, giữ tâm sáng, đúng như lời bài hát “Màu trắng, màu đen” của nhạc sĩ Minh Khang “… họ tàn nhưng họ không phế, họ mù nhưng trái tim sáng ngời…”.
Chia tay các anh chị ở Cơ sở tẩm quất cổ truyền Trần Sinh khi đã vãn khách, các anh chị ngồi cùng nhau tâm sự chuyện nghề, gia đình, rồi cùng hát vang ca khúc “Bài ca người khiếm thị” chúng tôi hiểu rằng, họ có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh và cũng từ nghị lực từ chính bản thân họ. Hy vọng thời gian tới, các cơ sở tẩm quất của Hội Người mù sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và cộng đồng nhiều hơn nữa, giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, làm người có ích cho xã hội.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nguon-sang-trong-tinh-yeu-thuong-39240