Nguồn sử liệu quý báu, chân thực
Những ngày tháng Tám này, lịch sử lại nhắc nhớ mỗi người về chặng đường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Một trong những nguồn sử liệu sinh động giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về đất nước, giúp văn học thêm cảm hứng và tư liệu để sáng tạo chính là các nhật ký, hồi ký chiến tranh cách mạng.
Nhật ký, hồi ký chiến tranh cách mạng là một nguồn sử liệu sinh động giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về đất nước cũng như giúp văn học thêm cảm hứng và tư liệu để sáng tạo.
Những trang sách cuộc đời
Giữa thời bình được đọc sách về thời chiến, giữa vô vàn tác phẩm hư cấu được đọc nhật ký, hồi ký “rút ruột rút gan” của các lão thành cách mạng, các chiến sĩ nơi chiến trường ác liệt, điều này mang đến rung cảm sâu sắc cho người đọc. Kể từ hai cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra mắt cách đây chừng 15 năm, dường như dòng sách nhật ký, hồi ký chiến tranh cách mạng ở Việt Nam được khơi thông; nhiều đầu sách ra đời, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Để có được mùa thu độc lập, và từ tháng Tám cờ hoa năm 1945 ấy tiếp tục chặng đường đấu tranh tiến tới thống nhất non sông, đã có biết bao người con nước Việt âm thầm hy sinh cho Tổ quốc. Họ đi từ nhiều miền quê, với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, từ nông dân, công nhân đến sinh viên, bác sĩ, giáo viên, nghệ sĩ, kỹ sư... nên những trang nhật ký, hồi ký của họ hết sức đa dạng. Đó có thể là những trang viết đơn thuần ghi lại các sự việc diễn ra hằng ngày, là hồi ức về con người, tình huống, sự kiện, là những vần thơ viết vội khi cảm xúc chợt đến hay như một sự giãi bày, cổ vũ bản thân vượt qua gian lao... Nhưng tất thảy đều chứa đựng một tinh thần, cảm hứng lớn lao về cách mạng.
Tranh thủ viết lúc dừng chân trên đường hành quân, trong hầm trú ẩn hay ngay bên trận địa còn chưa tan khói súng, biết bao nhiêu trang nhật ký chiến trường đã được viết ở khắp các mặt trận khác nhau. Đó là Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường, Nhật ký chiến tranh của Trình Văn Vũ, Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân, Nhật ký chiến trường của Nguyễn Tiến Bình, Trở về trong giấc mơ của Trần Minh Tiến... và nhiều trang nhật ký khác hiện được lưu giữ tại một số bảo tàng hoặc trong các gia đình. Phần lớn các chiến sĩ - tác giả ấy nay đã không còn nữa, nhiều người trong số họ vĩnh viễn nằm lại chiến trường, chỉ còn những cuốn nhật ký gửi gắm trọn vẹn tâm hồn và tình yêu đất nước, bằng nhiều con đường khác nhau thay họ trở về với gia đình, trong đó có những cuốn nhật ký “lưu lạc” đến hơn 40 năm mới tìm được đường “về nhà” như cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng ở Hải Phòng.
Đáng nói, qua trao đổi với các nhà xuất bản, chúng tôi ghi nhận một dòng tư liệu quý là nhật ký, hồi ký của các vị lão thành cách mạng, của nhiều cán bộ thuộc các lĩnh vực khác nhau mong muốn được xuất bản để lưu giữ cho con cháu về truyền thống gia đình, lịch sử đất nước. Qua những trang viết nặng riêng tư này, chúng ta lý giải được sâu sắc sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Nhật ký vốn là câu chuyện riêng của mỗi người, như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, trong Mãi mãi tuổi hai mươi, đã quan niệm: “Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có”. Thế nhưng, để tri ân quá khứ hào hùng, tri ân đồng đội đã nằm xuống, nhiều cựu chiến binh không ngần ngại công bố nhật ký chiến trường của mình, dù ở đó có thể có điều không hoàn hảo. Đó là những cuốn nhật ký được tặng lại cho bảo tàng hoặc đã được xuất bản như Nơi ấy là chiến trường của Phạm Quang Nghị, Trời xanh không biên giới của Đặng Sỹ Ngọc, Bão lửa cầu vồng của Nguyễn Văn Thân, Đường ra trận của Bùi Văn Cường... Cũng phải kể đến nhật ký đầy “lửa” mà không kém chất thơ của những cây viết chuyên nghiệp như Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong, Nhật ký đi B của nhà văn Triệu Bôn, Những ngày trong vòng vây của nhà báo Trần Mai Hạnh...
Mới đây, bộ sách đồ sộ Nhật ký thời chiến Việt Nam, 4 tập, mỗi tập có hơn 1.000 trang khổ lớn do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, giới thiệu 30 cuốn nhật ký. Trong đó có những trang nhật ký còn rất “mới” với bạn đọc như Nhật ký Hoàng Công Sơn, Nhật ký Phạm Ngọc Chí, Nhật ký Trần Danh Hải, nhật ký Tôi là người may mắn của Vũ Hồng Nhật, nhật ký Lính sinh viên của Lê Văn Cổn...
Bên cạnh dòng nhật ký viết tại chiến trường, nhiều cuốn hồi ký, hồi ức cũng được đông đảo độc giả yêu thích. Đó là Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng quyết định của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Từ Đồng Quan đến Điện Biên của Đại tướng Lê Trọng Tấn... Đó còn là hồi ký, hồi ức mới ra mắt trong những năm đầu thế kỷ XXI như Thời sôi động của Đại tướng Chu Huy Mân, Đời chiến sĩ của Đại tướng Phạm Văn Trà... và gần đây là Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.
Nhật ký, hồi ký không chỉ là biên bản ghi chép về hiện thực chiến tranh, ở đó còn có muôn vàn cung bậc tình cảm của các chiến sĩ. Ảnh: Đặng Vương Hưng
Tư liệu chân thực cho thế hệ mai sau
“Nếu thời gian không làm cho những trang viết bay màu và những cuốn sổ ghi chép mỗi ngày thêm hư hỏng, mục nát thì chắc là tôi vẫn để cho chúng nằm yên nơi góc tủ. Những cuốn sổ giờ đây không chỉ là những trang giấy cũ, mà là những kỷ niệm gắn với những vùng đất, những con người mà tôi đã từng gặp, về cuộc sống, chiến đấu hết sức hào hùng và tài trí của nhân dân ta” - trong cuốn nhật ký Nơi ấy là chiến trường, tác giả Phạm Quang Nghị đã bày tỏ.
Sức hút của dòng nhật ký, hồi ký chiến tranh cách mạng là sự sống động, chân thực mà tác giả đã trải qua, với từng ngày tháng, sự kiện, địa danh cụ thể giúp bạn đọc hình dung từng trận đánh, từng cuộc hành quân, từng lần đấu trí với kẻ thù...
Song, nhật ký, hồi ký không chỉ là biên bản ghi chép về hiện thực chiến tranh, ở đó còn có muôn vàn cung bậc tình cảm của các chiến sĩ. Đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu, là tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, là tình yêu quê hương đất nước... Trong nhật ký của mình, liệt sĩ Hoàng Thượng Lân bày tỏ với cha mẹ mình rằng chính “những ngày sống chết, mồ hôi và máu đã thôi thúc con có cảm xúc phơi bày trên trang giấy”, “con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, không có gì mang tính chính xác về chiến tranh, cách mạng hơn những trang nhật ký của người lính. Bởi “họ viết những trang nhật ký này ngay tại chiến trường, viết những gì họ muốn nói nhất, khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề, tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất”. Bởi thế, nhật ký, hồi ký chiến tranh cách mạng là kỷ vật vô giá, là những trang viết đáng tin cậy, nguồn sử liệu quý báu cho thế hệ sau.
Trong những trang nhật ký cuối cùng, liệt sĩ Vũ Xuân từng viết: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước. Hãy giữ lấy mảnh đất vô giá này”. Giáo dục thế hệ sau về lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp, có lẽ, không có gì gần gũi hơn bằng việc để họ “trải nghiệm” từng trang nhật ký, hồi ký cách mạng mà cha anh để lại. Hòa mình vào từng trang sách, theo bước hành quân trên mỗi con chữ, lớp trẻ có thể hình dung thật rõ về những năm tháng đã sống, chiến đấu và hy sinh của thế hệ đi trước cho hòa bình đẹp tươi của đất nước hôm nay.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/975740/nguon-su-lieu-quy-bau-chan-thuc