Nguồn thu hợp pháp khác tăng hơn 80 tỷ đồng, ĐH Tài chính - Marketing có từ đâu?
Năm học 2022-2023, Trường Đại học Tài chính - Marketing đạt 98,4 tỷ đồng từ nguồn hợp pháp khác, tăng hơn 80 tỷ đồng so với năm học trước.
Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Tài chính.
Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng trường là PGS. TS Hồ Thị Thủy Tiên; Hiệu trưởng nhà trường là PGS.TS Phạm Tấn Đạt.
Theo website nhà trường, đơn vị có trụ sở tại 778 Nguyễn Kiệm, Phường 4,Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 cơ sở đào tạo nằm rải rác ở các quận, thành phố (Cơ sở 27 Tân Mỹ, Quận 7; Cơ sở B2/1A Đường 385, Tăng Nhơn Phú A, Thành phố Thủ Đức; Cơ sở 306 Nguyễn Trọng Tuyển, Quận Tân Bình; Cơ sở 343/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Quận Tân Bình; Cơ sở 306 Võ Văn Hát, Phường Long Trường, Thành phố Thủ Đức).
Trên trang web của Trường Đại học Tài chính - Marketing thông tin về sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường như sau:
"Trường Đại học Tài chính - Marketing có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ đại học và sau đại học theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu và chuyển giao những thành tựu khoa học, công nghệ về kinh doanh, quản lý phục vụ công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Đến năm 2045, Trường được xếp hạng trong top 500 trường đại học hàng đầu khu vực Châu Á (theo chuẩn xếp hạng có uy tín) và trở thành một trường đại học theo định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam; đồng thời là một trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ có uy tín cao trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý của Việt Nam và khu vực ASEAN".
Theo nội dung báo cáo ba công khai của ba năm học gần đây (từ năm 2020-2021 đến 2022-2023), trong năm 2022-2023 nhà trường bị giảm quy mô đào tạo đại học chính quy và hệ đại học vừa học vừa làm, giảm số lượng phó giáo sư nhưng nguồn thu lại tăng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Tài chính - Marketing đã có những trả lời qua email về nội dung liên quan.
Quy mô đào tạo năm 2022-2023 giảm so với các năm trước
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy mô đào tạo đại học chính quy, vừa học vừa làm của năm học 2022 – 2023 so với năm học 2021-2022 sụt giảm tương ứng là 2,63% và so với năm học 2020-2021 bị giảm 5,48%.
Trả lời nội dung trên, Trường cho hay: "Quy mô đào tạo trình độ đại học của năm học 2022 – 2023 giảm so với hai năm học trước là do một số nguyên nhân.
Cụ thể, tuyển sinh trong hai năm 2022 và 2023, nhà trường không tuyển sinh đào tạo được liên thông đại học chính quy do khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tuyển, người học có nhiều sự lựa chọn các cơ sở giáo dục cung cấp rất nhiều hình thức đào tạo như đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa … nên khó thu hút người dự tuyển.
Đối với đào tạo đại học vừa làm vừa học, hiện nay các cơ sở giáo dục cạnh tranh rất cao, phát triển mạnh, nhiều phương thức đào tạo từ xa nên dẫn đến nhà trường tuyển sinh cùng số lượng nhập học giảm nhẹ.
Tuy nhiên, căn cứ vào Chiến lược phát triển của Trường thì căn bản đáp ứng được sứ mệnh và mục tiêu, trong đó giai đoạn 2020 – 2030, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và tập trung vào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao".
Nhà trường có 8 giáo sư là do nhầm lẫn, sai sót trong số liệu
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong báo cáo 3 công khai năm học (từ 2020 – 2021 đến 2022 – 2023), nhà trường giảm 2 phó giáo sư, giảm 48 thạc sĩ và 18 cử nhân. Kể từ năm học 2020 – 2021, nhà trường cũng giảm 8 giáo sư so với năm học 2019 – 2020.
Về nội dung trên, Trường Đại học Tài chính - Marketing thông tin: "Số lượng giảng viên có chức danh, học vị là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân của năm học 2022 – 2023 giảm so với hai năm học trước do một số nguyên nhân.
Số giảng viên có chức danh phó giáo sư cơ bản ổn định trong các năm học từ 2021 đến 2023.
Năm học 2021-2022, nhà trường giảm 1 phó giáo sư là do giảng viên đột ngột qua đời vì vấn đề sức khỏe; Năm học 2022 – 2023 giảm 1 phó giáo sư đến thời điểm hưởng chế độ hưu trí và đề nghị không kéo dài thời gian công tác chuyên môn tại Trường.
Số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ và cử nhân giảm do giảng viên hoàn thành chương trình học và được công nhận tốt nghiệp lên các trình độ cao hơn. Ngoài ra, có một số giảng viên trình độ thạc sĩ đến thời gian nghỉ hưởng chế độ hưu trí; một số giảng viên trình độ đại học được giải quyết chuyển vị trí việc làm sang ngạch chuyên viên.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, tại thông báo công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường năm học 2019-2020 cho thấy, có 8 giáo sư. Tuy nhiên, đến năm học 2020-2021, thì phần giảng viên chức danh giáo sư bỏ trống.
"Về số liệu 8 giáo sư theo công khai năm học 2019 – 2020 tại Biểu mẫu 20, sau khi rà soát, đã phát hiện ra sự nhầm lẫn trong lỗi đánh máy, trùng lặp với số liệu về giảng viên có chức danh phó giáo sư. Nhà trường sẽ cập nhật lại số liệu giảng viên có chức danh là 8 phó giáo sư trong Biểu mẫu này trên mục công khai của Trường", thông tin từ Nhà trường phản hồi.
Giảm phòng thực hành, phòng học nhưng tăng diện tích sàn
Năm học 2022 – 2023, nhà trường có sự thay đổi khi giảm từ 48 phòng thực hành xuống còn 43 phòng, giảm số phòng học từ 257 xuống còn 254. Tuy nhiên, nhà trường tăng diện tích sàn các phòng như thư viện và các phòng học chức năng khác.
Giải thích về nội dung trên, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho hay, năm học 2021 – 2022, nhà trường có sự đầu tư lớn trong việc mở rộng và phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, tập trung chủ yếu ở các cơ sở Tăng Nhơn Phú và cơ sở Quận 7, trong đó có việc mở rộng không gian phục vụ cho thư viện.
Đến tháng 4/2022, nhà trường đã dừng các hoạt động đào tạo tại cơ sở Phổ Quang, chuyển toàn bộ quy mô sinh viên sang học tập và nghiên cứu tại cơ sở Quận 7.
Mặt khác, nhà trường xác định lại quy mô đào tạo các ngành đặc thù, sắp xếp lại các phòng máy thực hành vi tính, cải tạo công năng các phòng thực hành, các phòng học mô phỏng thành các phòng học và mở rộng không gian thư viện cho sinh viên.
Ngoài ra, việc bố trí quy mô sinh viên các ngành đặc thù từ cơ sở Quận 7 sang học tập tại cơ sở Long Trường cũng tác động đến việc sắp xếp và bố trí lại các phòng học thực hành mô phỏng phù hợp với quy mô đào tạo mới, nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất của Trường.
Tăng hơn 80 tỷ đồng nguồn thu hợp pháp từ các dịch vụ
Tổng thu của nhà trường trong những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể. Riêng năm học 2022 – 2023, nhà trường có tổng thu 530,3 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ học phí là 431,8 tỷ đồng, từ nguồn hợp pháp khác là 98,4 tỷ đồng (tăng hơn 80 tỷ đồng so với năm 2021 – 2022) và từ ngân sách là 1,2 tỷ đồng.
Trong phản hồi đến phóng viên, nhà trường cho hay, Trường Đại học Tài chính – Marketing là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Ngoài nguồn thu từ học phí các chương trình, bậc, hệ trong nước, nguồn thu hợp pháp khác của trường gồm thu từ các hoạt động dịch vụ đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức và cá nhân, liên kết quốc tế, lãi ngân hàng, hoạt động khoa học công nghệ và hoạt động dịch vụ khác như dịch vụ căng tin, trông giữ xe... Nhà trường xác định nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đóng vai trò quan trọng.
"Nhà trường cũng đã xây dựng hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh, bao gồm hệ thống các dịch vụ có thu phí và hệ thống các dịch vụ không thu phí, theo phương châm “lấy dịch vụ nuôi dịch vụ.
Nhà trường lấy nguồn thu từ các dịch vụ có thu phí, để bù đắp và tái đầu tư cho các dịch vụ không thu phí, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng người học và giảng viên, viên chức nhà trường.
Nhà trường cũng qua hệ thống cung cấp dịch vụ để nâng cao sự hài lòng của các đối tượng có liên quan (người học, viên chức-giảng viên, cộng đồng xã hội..). Lấy thước đo sự hài lòng của các đối tượng phục vụ để đánh giá chất lượng hệ thống dịch vụ của Trường", nội dung trả lời của nhà trường nêu.
Cũng theo Trường Đại học Tài chính - Marketing, chiến lược phát triển dịch vụ trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của nhà trường xác định, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phục vụ đa dạng các đối tượng người học và giảng viên, viên chức nhà trường và xã hội;
Đẩy mạnh đầu tư và khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng gắn với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao tri thức cũng như khai thác thế mạnh về cơ sở vật chất và thương hiệu nhà trường. Đảm bảo nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng dần hằng năm bổ sung một phần quan trọng trong ngân sách nhà trường.
Đơn vị cũng mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm khai thác thế mạnh chuyên môn và thương hiệu nhà trường như: dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ, dịch vụ đào tạo ngắn hạn, dịch vụ nghiên cứu khoa học, dịch vụ cung cấp tài liệu, học liệu phục vụ đào tạo và các dịch vụ khai thác thương hiệu của Trường như dịch vụ truyền thông marketing, dịch vụ tổ chức sự kiện, dịch vụ kế toán, dịch vụ báo cáo thuế, dịch vụ hướng dẫn viên du lịch….
Đồng thời, nhà trường tiếp tục đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng và uy tín của hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như tăng nguồn thu để đưa Trường Đại học Tài chính – Marketing trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc gia và khu vực.
Đơn vị xây dựng chương trình hợp tác với các trường đại học nước ngoài một cách toàn diện trên tất cả lĩnh vực gồm đào tạo theo chuẩn quốc tế, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên, tổ chức phối hợp hội thảo quốc tế và nghiên cứu khoa học.