Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chưa kịp thời
Theo ông Nguyễn Mạnh Hoài, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chưa kịp thời, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.
Trong 8 tháng năm 2019, số lao động ở Bến Tre đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.195 người (đạt 94,84% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao), tập trung chủ yếu thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.
Theo ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Kế hoạch, nghiệp vụ tín dụng - Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, trong số các lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chỉ có 238 lượt lao động vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre với số tiền trên 11,8 tỷ đồng. Hiện nay, 74 trường hợp đã xong thủ tục đi xuất khẩu nhưng chưa được giải ngân vốn. Nếu giải quyết cho 74 trường hợp này cần 3,1 tỷ đồng nhưng tháng 9/2019, ngân sách tỉnh cấp sang ngân hàng mới chỉ có 2,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể những trường hợp cần giải ngân vốn ở các huyện.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hoài, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chưa kịp thời, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã sử dụng hết nguồn vốn ủy thác từ ngân sách. Trong khi đó, một số địa phương có nhu cầu vốn rất bức thiết cần giải ngân.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74 (sẽ có hiệu lực từ ngày 8/11/2019) sửa đổi Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, mức vay ưu đãi tối đa để hỗ trợ tạo việc làm đối với người lao động là 100 triệu đồng (mức vay hiện hành là 50 triệu đồng), không cần thế chấp tài sản, nếu vay từ 100 triệu đồng trở lên cần có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, Nghị định 74 chưa mở rộng đối tượng, chỉ đối tượng cận nghèo và hộ nghèo được hưởng chính sách này.
Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hoài kiến nghị, Chính phủ xem xét chính sách cho vay tối đa 100% chi phí ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm động có thời hạn ở nước ngoài mà không phải thế chấp tài sản. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng cho vay theo hướng tất cả người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp khó khăn về tài chính đều được vay vốn tín dụng chính sách.
Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng Phòng Lao động, Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre) cho biết, theo Nghị quyết 24/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, 5 đối tượng (người nghèo, đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, người trong độ tuổi lao động thuộc diện mồ côi hoặc xuất thân từ các cơ sở bảo trợ xã hội và lao động tham gia khởi nghiệp thoát nghèo) được hỗ trợ vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nên chưa khuyến khích các gia đình cho con em đi lao động theo hình thức này.
Ông Trần Văn Thành cho rằng, mức hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre là ít (chưa được 4 triệu đồng). Còn theo Nghị quyết 24/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đối tượng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay trên 50 triệu đồng phải thế chấp tài sản. Trong khi đó, hộ nghèo và cận nghèo rất khó để có tài sản thế chấp ngân hàng. Những quy định này dễ buộc người lao động phải vay bên ngoài với lãi suất cao, đặc biệt là “tín dụng đen”. Như vậy, sẽ làm cho chính sách của tỉnh không phát huy được tác dụng trong hỗ trợ các đối tượng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ông Trần Văn Thành đề xuất, Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ theo Nghị định 74 của Chính phủ để sửa lại Nghị quyết 24/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh để những đối tượng thuộc diện được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được hưởng trọn vẹn chính sách, chủ trương của nhà nước.