Ngưỡng chịu thuế cho quán phở 150 triệu: Vẫn quá thấp!
Quy định cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng từ 150 triệu đồng/năm phải đóng thuế giá trị gia tăng vẫn thấp so với thực tế.
Theo quy định hiện hành, mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới nhất đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, mức doanh thu chịu thuế VAT tăng lên 150 triệu đồng/năm.
Quy định này đồng nghĩa với việc cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế VAT, tức tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.
Ủng hộ việc nâng ngưỡng chịu thuế lên 150 triệu đồng nhưng…
Bộ Tài chính giải thích rằng gần 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều nên việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh lên 150 triệu đồng/năm để phù hợp với biến động giá cả.
“Việc tăng mức chịu thuế của cá nhân, hộ kinh doanh không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế” - Bộ Tài chính khẳng định.
Quy định mới được nhiều cá nhân, hộ kinh doanh ủng hộ, tuy nhiên họ cho rằng ngưỡng đóng thuế mới như đề xuất của Bộ Tài chính vẫn quá thấp. Anh Duy Ngọc (chủ quán phở gà trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết quán đã hoạt động hơn 10 năm. Hiện quán nộp thuế khoán hằng năm, theo đó thuế VAT là 3% và thuế thu nhập cá nhân là 1,5%; doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế.
Anh cho rằng mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế là quá bất hợp lý, vì vậy việc nâng lên 150 triệu đồng/năm trở lên là cần thiết. Tuy vậy, với doanh thu từ 150 triệu đồng/năm trở lên vẫn thấp so với thực tế vì tính ra mỗi tháng doanh thu chỉ trên 12,5 triệu đồng đã phải đóng thuế.
“Nếu tính giá mỗi tô phở là 40.000 đồng thì chỉ bán 10 tô/ngày là chủ quán ăn phải đóng thuế. Trong khi mỗi hộ kinh doanh từ quán phở, tiệm cà phê hay hủ tiếu vỉa hè cũng phải thuê 2-3 lao động, có khi cả nhà 5-6 người làm... Với doanh thu như trên, chúng tôi không đủ chi tiêu gia đình và chi phí thuê mặt bằng, điện, nước… thì lấy gì đóng thuế?” - anh Ngọc đặt vấn đề.
Cần xem xét lại chính sách thuế hộ kinh doanh để đảm bảo công bằng và không nên thu thuế theo kiểu tận thu vì đây là nguồn sống của rất nhiều gia đình.
Ông Trường Duy (chủ tiệm cắt tóc ở quận Tân Bình, TP.HCM) cũng tính toán: Doanh thu 150 triệu đồng/năm tương đương với 420.000 đồng/ngày mà phải đóng thuế thì không hợp lý, vì cứ bốn khách hàng cắt tóc không cũng hơn 400.000 đồng. Nếu khách nhuộm, uốn tóc… nữa thì chi phí cả triệu đồng/khách.
“Chi phí tiệm làm tóc rất lớn, từ tiền thuê thợ, nhân viên, tiền đầu tư máy móc, thiết bị, rồi tiền mỹ phẩm chăm sóc tóc… Vậy các tiệm sống bằng gì?” - ông Duy đặt câu hỏi.
Luật sư - chuyên gia thuế Trần Xoa cũng cho rằng theo quy định hiện hành, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân. Mức này là quá thấp so với mặt bằng giá cả thực tế, do đó Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng đóng từ 150 triệu đồng/năm là việc nên làm.
Tuy nhiên, mức 150 triệu đồng/năm vẫn còn thấp. Bởi lẽ nói là cá nhân, hộ kinh doanh nhưng đây là công việc tạo ra thu nhập chính của các gia đình. Thực tế có những quán ăn cả nhà nhiều người cùng làm, nếu doanh thu trên 12,5 triệu đồng/tháng như dự thảo, chia cho cả nhà năm người làm thì mỗi người có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân là không phù hợp.
Theo Bộ Tài chính, nhiều năm qua, thuế VAT chiếm tỉ trọng trên 20% trong thu ngân sách nhà nước.
Đề xuất doanh thu trên 200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nêu quan điểm: Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng đóng thuế VAT lên mức 150 triệu đồng/năm là để cá nhân, hộ kinh doanh có thêm động lực và lợi ích để tiêu thụ hàng hóa cũng như tạo sinh kế. Nhưng với những người bán hàng nhỏ lẻ thì doanh thu 150 triệu đồng/năm là rất thấp.
Trong khi đó, với thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ cho người nộp thuế đã là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (tương đương 52,8 triệu đồng/năm). Một cá nhân hay hộ kinh doanh nhưng đằng sau họ là nguồn thu nhập của cả gia đình, do đó ngưỡng tính thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh cũng phải tính tương ứng.
“Ví dụ, tính ngưỡng đóng thuế của cơ sở kinh doanh tham chiếu theo mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế + người phụ thuộc = 184,8 triệu đồng/năm. Như vậy, ngưỡng doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh sẽ từ 200 triệu đồng/năm trở lên mới phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân” - ông Nghĩa đề xuất.
Luật sư - chuyên gia thuế Trần Xoa cũng cho rằng mức thuế đóng trên doanh thu, nộp thuế khoán đồng nghĩa với người kinh doanh khi chịu lỗ cũng phải đóng thuế. Trong khi đó, số lượng hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên cả nước rất lớn, vì vậy cần nghiên cứu xem xét lại chính sách thuế hộ kinh doanh để đảm bảo công bằng và cũng không thu thuế theo kiểu tận thu vì đây là nguồn sống của nhiều gia đình.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng phải nâng mức đóng thuế của cơ sở kinh doanh để họ có thêm động lực, lợi ích để tiêu thụ hàng hóa và tạo công ăn việc làm.
Hơn nữa, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (từ ngày 1-1-2014) cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Theo đó, việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết.
“Không thể đưa ra ngưỡng đóng thuế quá thấp so với thực tế. Bên cạnh đó, để quản lý thuế với cơ sở kinh doanh minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động thu thuế cần có những giải pháp hợp lý” - ông Thịnh nhấn mạnh.•
Cần chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp
Năm 2023, cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu GDP hằng năm. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện cải cách các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế, tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa so với doanh nghiệp lớn.
Chính sách thuế, thủ tục hành chính phải thuận lợi để các hộ kinh doanh thấy có lợi, có động lực mạnh dạn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.
Ví dụ, cơ quan thuế cần khuyến khích người tiêu dùng của hộ kinh doanh lấy hóa đơn khi mua hàng như chương trình quay xổ số “Hóa đơn may mắn” hiện nay, hoặc người tiêu dùng được khấu trừ chi tiêu khi lấy hóa đơn...
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/nguong-chiu-thue-cho-quan-pho-150-trieu-van-qua-thap-post773180.html