Ngưỡng nợ thuế hợp lý để tạm hoãn xuất cảnh
Tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên, còn đối với doanh nghiệp (DN) từ 500 triệu đồng, tăng 5 lần so với mức đề nghị trước đó.
Đề xuất ngưỡng nợ thuế có tham khảo quốc tế, phù hợp với Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn chia sẻ, giải pháp tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế đã được quy định và thực hiện theo Luật Quản lý thuế hiện hành. Theo đó, người Việt Nam xuất cảnh định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, Luật thuế hiện hành chưa quy định cụ thể ngưỡng số tiền nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Do đó, Tổng cục Thuế giao thủ trưởng các cơ quan quản lý thuế trực tiếp quyết định biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chức năng quản lý nợ thuế. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện chính sách này, cơ quan thuế nhận được phản hồi về việc người nộp thuế, cá nhân có số nợ nhỏ nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Ngay sau khi nhận được phản hồi, ngành thuế vừa đẩy mạnh việc thông báo đến người nộp thuế về nghĩa vụ nợ để hoàn thành đúng hạn vừa tích cực phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để giải quyết thủ tục nhanh nhất khi phát hiện nợ thuế trong quá trình xuất cảnh. Đồng thời, cơ quan thuế đã báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế hiện hành.
Hiện có khoảng 380.000 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và DN có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên; khoảng 81.000 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và DN có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên; có khoảng 40.000 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên và DN có số tiền nợ thuế từ 1 tỷ đồng trở lên…
Để tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, vừa đảm bảo thu ngân sách cũng như công tác quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế, tại dự thảo nghị định quy định ngưỡng nợ thuế áp dụng tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên sẽ áp dụng tạm hoãn xuất cảnh; biện pháp này áp dụng đối với DN có số nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên và đã quá thời hạn nộp trên 120 ngày. Còn tại dự thảo lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân hồi đầu tháng 12/2024, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân/chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh; DN/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đề xuất tăng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh dựa trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ nguồn lực của cơ quan thuế. Chẳng hạn, Malaysia việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những cá nhân có khoản nợ thuế trong khoảng 2.000 USD, Hoa Kỳ áp dụng biện pháp này với ngưỡng nợ là 40.000 USD. Do đó, đối với cá nhân tại Việt Nam, việc đề xuất ngưỡng nợ khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) là phù hợp. Đài Loan đã quy định ngưỡng nợ áp dụng cho DN là 2 triệu Đài tệ (tương đương 1,57 tỷ đồng). Đối với DN tại Việt Nam, cơ quan soạn thảo đề xuất áp dụng ngưỡng nợ là 500 triệu đồng.
Việc lựa chọn ngưỡng thời gian nợ trên 120 ngày nhằm đảm bảo công tác thu hồi nợ đọng thuế, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi nợ và đảm bảo đáp ứng trên ứng dụng quản lý thuế để cơ quan thuế có thể triển khai thực hiện ngay khi Nghị định ban hành (do nhóm nợ có thời gian nợ trên 120 ngày trở lên đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng).
Năm 2024: gần 60.000 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế không chỉ đáp ứng nguồn thu ngân sách nhà nước, mà còn đảm bảo tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng đối với các thành phần kinh tế. Vì thế, ngành thuế luôn triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng. Đặc biệt, trong năm 2024, ngành thuế đẩy mạnh triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế chủ động cập nhật kịp thời nghĩa vụ thuế, các khoản nợ thuế của người nộp thuế. Đồng thời, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Nhờ đó, kết quả thu nợ năm 2024 đạt 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ tổng tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu ngân sách năm 2024 là 7,8%.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã ban hành 58.687 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, trong đó có 35.616 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 12.973 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 2.523 người nộp thuế với số tiền là 236 tỷ đồng của người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh.
Để cá nhân không bất ngờ về việc bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan thuế sẽ thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo áp dụng biện pháp này mà DN, cá nhân chưa nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp này.
Theo các chuyên gia kinh tế, về thời hạn nợ thuế quá 120 ngày, ngưỡng nợ thuế 50 triệu đồng và 500 triệu đồng với cá nhân và DN là phù hợp để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ. Nếu hàng nghìn DN và cá nhân nợ thuế ở mức cao hơn thì ngân sách nhà nước sẽ đứng trước rủi ro thất thu thuế đáng kể./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nguong-no-thue-hop-ly-de-tam-hoan-xuat-canh-37744.html