Nguy cơ bệnh dại vẫn hiện hữu

Trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh Thái Nguyên có nhiều giải pháp để kiểm soát bệnh dại hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ truyền bệnh sang người.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), tính đến ngày 23/9/2024, cả nước ghi nhận 68 trường hợp tử vong do bệnh dại, tại 31/63 tỉnh thành, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023 (62 ca). Đối với Thái Nguyên, có 1 trường hợp tại huyện Võ Nhai, do bị mèo cào từ tháng 10-2023, đến tháng 2-2024 thì phát bệnh, tử vong.

Một số liệu khác từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cũng rất đáng lưu tâm, đó là 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 6.635 trường hợp bị chó cắn phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2023, tăng gấp 2 lần so với năm 2022. Trong đó, số người phải tiêm huyết thanh là 1.231 người, tăng 60% so với năm 2022.

Như vậy có thể nói, số người bị chó cắn phải tiêm vắc-xin trên địa bàn tỉnh hiện vẫn rất lớn và trên thực tế con số có thể lớn hơn do có trường hợp bị chó, mèo cắn, cào nhưng không điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại…

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT): 3 năm gần đây, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh giữ ở mức ổn định, với khoảng 260 nghìn con. Trong số này có trên 130 nghìn con được tiêm phòng dại, đạt tỷ lệ khoảng 55-60% trên tổng đàn thuộc diện tiêm.

Trong khi đó, để đạt hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại sang người, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) khuyến cáo cần đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng dại cho động vật ít nhất 70% tổng đàn trong 2 năm liên tiếp.

Còn theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030”, mục tiêu được đưa ra là tiêm vắc-xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030.

Bên cạnh tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin chưa cao, một điều đáng lo ngại khác đó là một bộ phận không nhỏ người dân không thực hiện việc xích nhốt chó trong khuôn viên gia đình, hoặc khi đưa chó ra ngoài thì không đeo rọ mõm. Điều này gây nguy hiểm cho chính các thành viên trong gia đình và người xung quanh, mà việc khống chế chó để thực hiện việc tiêm phòng cũng khó khăn hơn.

Để nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin trên đàn chó, một số địa phương của tỉnh đã thực hiện hỗ trợ vắc-xin và công tiêm. Dù vậy, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó có nơi vẫn không cao và vô tình tạo ra tâm lý ỷ lại cho người dân. Ngược lại, có địa phương như TP. Thái Nguyên từ hàng chục năm nay không thực hiện sự hỗ trợ nào, mà chỉ tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn đến tận nhà tiêm cho những hộ có nhu cầu (chủ nuôi phải trả công), nhưng tỷ lệ tiêm vẫn đạt 95% tổng đàn (98% thuộc diện tiêm).

Tính đến hết tháng 9-2024, các địa phương trong tỉnh đã tiêm được trên 131 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh dại, đạt 84,7% kế hoạch được giao.

Tính đến hết tháng 9-2024, các địa phương trong tỉnh đã tiêm được trên 131 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh dại, đạt 84,7% kế hoạch được giao.

Theo bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên thì một trong những yếu tố rất quan trọng là làm tốt công tác tuyên truyền và huy động sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể các cấp.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Dương Đức Thiện, điều dưỡng Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình: Việc số người phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tăng là một thực tế đáng lo ngại, song điều đó lại phần nào cho thấy người dân khi bị chó cắn đã có ý thức hơn trong việc phòng, chống bệnh dại nên chủ động đi tiêm phòng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản, từ tháng 4-2023, đã ký quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người, với mục tiêu chung đó là kiểm soát được bệnh lây truyền từ động vật sang người; kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Đơn vị đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố điều tra, rà soát, thống kê và lập danh sách tất cả các trường hợp người bị hoặc nghi bị phơi nhiễm với vi rút dại nhằm tư vấn sớm và khuyến cáo việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại…

Có thể nói việc, để việc phòng chống bệnh dại mang lại hiệu quả, phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, cũng như mỗi người không phải lo lắng về việc bị chó, mèo cắn, cào, thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, chủ động của mọi người trong việc chấp hành nghiêm túc việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đây được xem là biện pháp phòng chống bệnh dại đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả. Cùng với đó là cần thực hiện nghiêm túc các chế tài xử lý người vi phạm trong việc chăn nuôi chó, mèo để tạo sức răn đe.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202410/nguy-co-benh-dai-van-hien-huu-44b09ba/