Nguy cơ bị cắt mạng chưa từng có ở châu Âu
Châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ tê liệt mạng điện thoại di động do mất điện trên diện rộng.
Một điều khó tưởng tượng trước đây có thể sắp xảy ra với châu Âu. Toàn bộ thiết bị di động ở khu vực này có khả năng bị gián đoạn liên lạc, do tình trạng cắt điện hoặc hạn chế sử dụng điện vào mùa đông này.
Theo Reuters, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu khiến vấn đề thiếu điện ở khu vực này trở nên ngày một nghiêm trọng. Tại Pháp, tình trạng này còn tồi tệ hơn khi hàng loạt nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động để bảo trì.
Không đủ hệ thống dự phòng
Các quan chức ngành viễn thông lo ngại rằng mùa đông khắc nghiệt sắp đến cũng sẽ là một thử thách lớn cho cơ sở hạ tầng, buộc công ty và chính phủ phải nỗ lực nhằm giảm thiểu hậu quả.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là các nước trong khu vực không có đủ hệ thống dự phòng để giải quyết tình trạng mất điện trên diện rộng, nên mất sóng điện thoại là điều rất có thể xảy ra.
Hiện, châu Âu có gần 500.000 cột thu phát sóng, kèm theo đó là pin dự phòng cung cấp nguồn điện đủ để hoạt động 30 phút. Do đó, Pháp, Thụy Điển và Đức đang phải cố gắng duy trì hệ thống thông tin ngay cả khi tình trạng mất điện xảy ra, làm cạn kiệt nguồn điện dự phòng của các cột phát sóng trên toàn lãnh thổ.
Với Pháp, công ty phân phối điện Enedis dự đoán trong tình huống xấu nhất, quốc gia này sẽ bị cắt điện trong vòng 2 giờ đồng hồ. Tình trạng mất điện sẽ chỉ ảnh hưởng cục bộ đến một vài khu vực. Các dịch vụ cơ bản như bệnh viện, cảnh sát và chính phủ sẽ nằm ngoài vùng ảnh hưởng, nguồn tin nội bộ cho biết.
Chính phủ Pháp cùng với các nhà mạng viễn thông đã thảo luận về vấn đề này từ mùa hè năm nay. Tuy nhiên, French Federation of Telecoms (FFT) đã quy trách nhiệm về công ty Enedis vì đã không thể ngăn tình trạng mất điện xảy ra.
Chia sẻ với Reuters, công ty phân phối điện này cho biết họ luôn đối xử bình đẳng với các khách hàng nếu bị cắt điện. Nhưng họ vẫn sẽ cắt một phần mạng lưới để ưu tiên cho một số khách hàng quan trọng như bệnh viện hay quân đội theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Song, sở hữu gần 62.000 trụ sóng, đại diện ngành viễn thông của quốc gia này cho biết họ không thể lắp pin mới cho tất cả ăng-ten.
Lo lắng lan rộng khắp châu Âu
Tương tự với Pháp, các công ty viễn thông ở Thụy Điển và Đức cũng nhiều lần bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu điện với chính phủ.
Cụ thể, Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để tìm ra giải pháp, đồng thời đặt ra tình huống xấu nhất khi điện bị cắt luân phiên.
Để giảm thiểu hậu quả, cơ quan này cũng đang đầu tư vào các trạm xăng dầu di động và trạm sóng điện thoại nhằm giúp các thiết bị vẫn có thể kết nối nếu tình trạng mất điện kéo dài hơn.
Ở Đức, tập đoàn viễn thông lớn nhất châu Âu, Deutsche Telekom, có khoảng 33.000 trụ sóng nhưng hệ thống điện khẩn cấp của họ chỉ có thể hỗ trợ một lượng nhỏ các trụ sóng. Do đó, công ty quyết định sẽ sử dụng các hệ thống khẩn cấp chạy bằng dầu diesel đề phòng tình trạng mất điện kéo dài.
Chia sẻ với Reuters, các hãng viễn thông của Ý nói rằng họ không muốn mạng di động ở quốc gia này bị cắt hay ngừng hoạt động để tiết kiệm năng lượng. Giám đốc Massimo Sarmi còn cho biết tình trạng thiếu điện sẽ làm tăng nguy cơ các linh kiện điện tử hư hỏng do bị ngắt nguồn đột ngột.
Về phía các hãng công nghệ, Nokia và Ericsson đang làm việc với các nhà mạng để giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng thiếu điện, nguồn tin nội bộ cho biết.
Theo Reuters, các công ty viễn thông ở châu Âu phải kiểm tra toàn bộ mạng lưới của mình để giảm lượng năng lượng sử dụng, đồng thời cải tiến các thiết bị bằng cách sử dụng các mẫu vô tuyến có hiệu suất cao hơn.
Để tiết kiệm năng lượng, các công ty này sẽ sử dụng phần mềm để tối ưu hóa lượng truy cập, bật chế độ “nghỉ ngơi” cho các trạm phát khi không sử dụng và tắt các băng tần khác nhau. Các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng sẽ hợp tác với chính phủ để duy trì các dịch vụ thiết yếu.
Từ trước đến nay, châu Âu vốn là khu vực có hệ thống cung cấp điện ổn định, ít khi bị cắt điện. Do đó, các nước trong khu vực này thường không có máy phát điện dự phòng khi vấn đề này xảy ra.
“Phần lớn châu Âu đều có hệ thống điện hoạt động rất ổn định. Do đó, khoản đầu tư vào trữ lượng năng lượng ở khu vực này có phần ít hơn so với các quốc gia khác”, một giám đốc trong ngành viễn thông thừa nhận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-bi-cat-mang-chua-tung-co-o-chau-au-post1361037.html