Nguy cơ biến mất nhiều nhà cổ ở Thanh Oai

Ở các làng quê ngoại thành, nhất là các làng cổ lâu đời, các ngôi nhà cổ được xem như một phần không gian đặc trưng, lưu giữ hồn cốt, các giá trị văn hóa và phần nào phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của làng quê đó. Tuy nhiên, theo thời gian những ngôi nhà cổ dần mai một, hư hỏng và được thay thế bằng các không gian xây mới hiện đại hơn. Làng cổ cũng vì thế mà dần vắng bóng nhà cổ.

Với những ngôi nhà cổ chưa thuộc di tích, thì việc giữ gìn, bảo tồn hiện vẫn dựa hoàn toàn vào ý chí và mong muốn của chủ sở hữu. Đây được xem là việc rất khó khăn bởi nguồn kinh phí cho việc bảo tồn các công trình này khá tốn kém. Trong khi đó, nhiều người dân lại mong muốn, có một không gian sống phù hợp hơn.

Bên cạnh khó khăn này, công tác bảo tồn, giữ gìn nhà cổ ngay cả với những không gian thuộc quần thể di tích, nơi áp dụng Luật Di sản trong bảo tồn cũng gặp một số thử thách. Đó là vấn đề đã và đang nảy sinh ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.

Theo quy định, từ năm 2015, làng Đường Lâm được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, đồng nghĩa có khoảng hơn 90 ngôi nhà tuổi đời từ 100 đến 400 năm được công nhận là nhà cổ loại I, loại II, cần bảo tồn theo Luật Di sản. Song, do những vướng mắc về cơ chế, việc giãn dân ra khỏi làng cổ chưa thể triển khai. Điều này đã khiến công tác bảo tồn nhà cổ gặp không ít khó khăn.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguy-co-bien-mat-nhieu-nha-co-o-thanh-oai-201262.htm