Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến giành thực phẩm và tài nguyên
Nguy cơ xảy ra một cuộc 'xung đột' tranh giành thực phẩm, đất đai và nước không chỉ ở những điểm nóng như Syria mà còn tại những 'trung tâm quyền lực' như London và New York đòi hỏi thế giới phải hành động ngay bây giờ. Đây là lời kêu gọi được ông Julian Cribb, nhà báo chuyên mảng khoa học hàng đầu người Australia, đưa ra ngày 30/8.
Các hệ thống thực phẩm trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, mất đất và đa dạng sinh học.
Trả lời tổ chức Thomson Reuters Foundation, nhà báo Cribb kêu gọi cải thiện hiệu quả của hoạt động sản xuất thực phẩm trên toàn cầu để tránh những tranh chấp tài nguyên vốn đang gia tăng ở các vùng lãnh thổ. Ông nêu rõ: "Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng các cuộc khủng hoảng lương thực chỉ xảy ra ở châu Phi hoặc những nước đang phát triển. Chúng ra nghĩ rằng các siêu thị sẽ luôn đầy ắp thực phẩm. Nhưng tại bất kỳ thời điểm nào, thế giới chỉ có khoảng 3 tháng để cung cấp ngũ cốc tại các cửa hàng."
Ông Cribb cảnh báo các hệ thống thực phẩm trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, mất đất và đa dạng sinh học. Ngoài ra, giá ngũ cốc và bánh mỳ sẽ tăng đột biến nếu vụ thu hoạch ở nhiều vựa ngũ cốc trên thế giới bị thất bát. Ông dự báo trong vòng 4-5 thập kỷ tới, trên thế giới có 7 khu vực có nguy cơ cao xảy ra xung đột thực phẩm, đứng đầu là Nam Á, tiếp đến là châu Phi và Trung Quốc. Theo nhà báo trên, Nam Á và Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng có thể dẫn tới xung đột, trong khi các cuộc tranh giành tài nguyên đã bùng phát ở nhiều khu vực của châu Phi.
Ngoài ra, Mỹ cũng có nguy cơ xảy ra xung đột về tài nguyên. Ông Cribb cho rằng Mỹ có thể sẽ mất 6.000 năm để thay thế nước ngầm mà họ đã khai thác trong 150 năm qua. Ngay cả khi Mỹ là một quốc gia phát triển, với tất cả công nghệ và giải pháp, Mỹ đã không quản lý tốt nguồn nước của mình, và nước này cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nước ngầm như nhiều nước khác.
Cũng theo ông Cribb, tranh chấp có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, từ vật chất đến pháp lý, ảnh hưởng đến các nước láng giềng, các chính phủ và các ngành công nghiệp. Ông đề xuất 3 giải pháp gồm canh tác có lợi cho tài nguyên thiên nhiên, nuôi trồng thủy sản ở các vùng nước sâu để tránh nguy cơ gây ô nhiễm và bệnh tật, cũng như tái tạo nguồn nước trong đô thị và các chất dinh dưỡng.
Nhà báo Cribb là nhà báo nổi tiếng và tham gia lĩnh vực viết sách. Dự kiến, cuốn sách "Food or War" (tạm dịch: "Thực phẩm hoặc Chiến tranh") của ông, do Đại học Báo chí Cambridge xuất bản, sẽ chính thức ra mắt vào tháng 10 tới.