Nguy cơ bùng phát cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương

Từ ngày 18/10 tới, Mỹ sẽ chính thức áp đặt thuế trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) với khối hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD.

Quyết định của Mỹ đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bật đèn xanh, với phán quyết ủng hộ Mỹ trong việc kiện các nước châu Âu trợ cấp trái phép cho hãng sản xuất máy bay Airbus.

Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Quyết định này được coi là phần thưởng trọng tài lớn nhất trong lịch sử Tổ chức Thương mại thế giới dành cho một bên tranh chấp và đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong kiện tụng kéo dài suốt 15 năm qua. Phát biểu sau phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là một chiến thắng lớn.

Theo phán quyết, Tổ chức Thương mại thế giới cho phép Mỹ đánh thuế lên tới 100%, nhưng các quan chức Mỹ cho biết nước này đã đưa ra mức đánh thuế giới hạn. Theo đó, Mỹ sẽ đánh thuế 10% với các loại máy bay lớn của EU và 25% với các mặt hàng khác, bao gồm một số hàng nông sản và công nghiệp. Các quốc gia hỗ trợ Airbus như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh cũng sẽ chịu tác động chính từ các biện pháp này.

Đây là biện pháp thương mại chống EU mạnh mẽ nhất kể từ khi Mỹ áp thuế cao với thép và nhôm của châu Âu vào năm 2018.

Phản ứng trước bước đi của Mỹ, Cao ủy Liên minh châu Âu về thương mại Cecillia Malmstrom tuyên bố:“Chúng tôi đang cân nhắc trong tất cả các lĩnh vực để có thể đáp trả bước đi của Mỹ. Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay chúng tôi vẫn ưu tiên tìm ra một giải pháp thông qua đàm phán”.

EU cũng đang khởi kiện lên Tổ chức thương mại thế giới với cáo buộc Mỹ trợ cấp bất hợp pháp cho Tập đoàn Boeing. EU được dự đoán sẽ nhận một phán quyết có lợi sau vài tháng nữa và đây sẽ là cơ hội để khối này đáp trả biện pháp đánh thuế của Mỹ.

EU là thị trường xuất khẩu chính của Mỹ khi mua tới 319 tỷ USD hàng hóa nước này trong năm 2018, trong khi Mỹ nhập khoảng 488 tỷ USD hàng hóa từ EU. Diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đang diễn biến nghiêm trọng và không có điểm dừng, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn EU-Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến cả hai bên, mà còn tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong thời điểm nhạy cảm. Do vậy, cả Mỹ và EU đều bày tỏ thiện chí đối thoại.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu của Pháp Jean-Baptiste Lemoyne hôm qua (2/10) cho rằng, cả EU và Mỹ đều có những “vấn đề” trong quá khứ. Tuy nhiên, là hai nền kinh tế lớn trên thế giới và đang đối mặt với hàng loạt các thách thức, thay vì đối đầu, hai bên nên hợp tác. Việc sử dụng công cụ đánh thuế không chỉ tác động đến ngành công nghiệp hàng không, mà còn các lĩnh vực khác, đặc biệt là người tiêu dùng.

Quan chức châu Âu này cho rằng, Châu Âu đang có một Nghị viện mới và chuẩn bị là Ủy ban châu Âu mới. Đây là thời điểm thích hợp để Mỹ và EU dừng leo thang cuộc chiến và bắt đầu đối thoại xuyên Đại Tây Dương. Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ cũng hy vọng sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán với các quan chức EU để giải quyết vấn đề này theo hướng có lợi cho người lao động Mỹ./.

Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nguy-co-bung-phat-cuoc-chien-thuong-mai-xuyen-dai-tay-duong-963001.vov