Nguy cơ cấm vận thứ cấp lên các nước gia tăng thương mại với Nga
Các quốc gia vùng Caucasus như Georgia và Armenia đang chứng kiến sự bùng nổ kinh tế, đặc biệt là thông qua sự gia tăng đột biến thương mại với Nga kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra, nhưng cũng đứng trước nguy cơ chịu trừng phạt thứ cấp từ phương Tây.
Kể từ đầu năm 2023, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về việc các thương nhân thông qua một số quốc gia như Armenia, Georgia, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ để lách các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) trong triển vọng kinh tế mới nhất của mình nhận định các quốc gia này đang dần trở thành đối tác thương mại trung gian cho quốc gia bị cô lập.
CNBC trích dẫn EBRD cho biết: “Xuất khẩu từ Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và Mỹ sang Trung Á và Caucasus đã tăng lên đáng kể, cho thấy sự gia tăng của “thương mại trung gian” khi hàng hóa được xuất khẩu sang các nền kinh tế Trung Á và sau đó được bán sang Nga”.
Trong năm 2022, cả Georgia và Armenia đều đạt mức tăng trưởng 2 chữ số lần lượt là 10,1% và 12,6%, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Về phía Georgia, nhập khẩu của Nga vào nước này tăng 79%, trong khi xuất khẩu sang Nga tăng 7% trong năm 2022. Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Georgia (Geostat) cho thấy ô tô, xăng dầu và “các mặt hàng khác” không xác định chiếm phần lớn thương mại của nước này trên cơ sở chung. Đặc biệt, số lượng phương tiện, máy bay và tàu thủy xuất khẩu sang Nga đã tăng gấp 4 lần vào năm 2022 và hiện ở mức gấp đôi so với năm 2021.
Tới năm 2023, Nga nổi lên là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Georgia về nhập khẩu và đối tác thương mại lớn thứ 3 về xuất khẩu theo Geostat. Trong khi đó, Nga là đối tác thương mại lớn nhất của Armenia về cả xuất nhập khẩu. Dữ liệu của IMF cho thấy Kyrgyzstan, Tajikistan và Azerbaijan, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, đều ghi nhận sự gia tăng thương mại với Nga trong năm 2022.
EBRD ước tính rằng “thương mại trung gian” chiếm khoảng 4% đến 6% GDP hàng năm ở Armenia và Kyrgyzstan, từ đó giúp thúc đẩy “các ngành công nghiệp hậu cần đang phát triển” của các quốc gia này và củng cố các đồng nội tệ.
Dù trong năm 2023, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Georgia và Armenia sẽ giảm xuống lần lượt khoảng 4% và 5,5%, phản ánh sự điều tiết chung trên toàn khu vực Caucasus và Trung Á. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các động lực tăng trưởng cơ bản “vẫn chưa biến mất” và do đó nó có thể khiến quốc tế chú ý đến các quốc gia này.
Cụ thể, thương mại với Nga gia tăng có khả năng thúc đẩy Liên minh châu Âu và các quốc gia đồng minh kêu gọi hoặc buộc các quốc gia này phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt hoặc tiến hành các lệnh trừng phạt thứ cấp. Đầu tháng 6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng từng tuyên bố gói trừng phạt thứ 11 của EU và G7 lên Nga sẽ tập trung vào việc “phá vỡ hành vi lách luật”.
Trong bài phỏng vấn đăng tải ngày 7/6 của CNBC, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết, cơ quan này hiện đang điều tra để “phát hiện sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại từ một số nước thứ 3 đóng vai trò là cửa ngõ có thể đến Nga”.
Phản ứng lại các diễn biến này, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Armenia Armen Nurbekyan nhấn mạnh rằng các nhà chức trách đang quan sát các mô hình thương mại của đất nước hàng tuần để đảm bảo các doanh nghiệp không vi phạm các lệnh cấm vận.
Trả lời CNBC ngày 7/6, ông khẳng định: “Đối với Armenia, tuân thủ các biện pháp trừng phạt là ưu tiên tuyệt đối. Chúng tôi đang ở trong một khu vực tương đối hỗn loạn, vì vậy chúng tôi hiểu ý nghĩa của việc ở cạnh các quốc gia đang bị trừng phạt và tôi nghĩ rằng Armenia đã khá thành công trong việc điều khiển nền kinh tế của mình theo hướng tránh xa các vấn đề”.
Theo ông, sự gia tăng thương mại diễn ra “trên diện rộng”, bao gồm chế biến thực phẩm, hàng nông sản và ô tô do các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng nhu cầu gia tăng kể từ khi các doanh nghiệp phương Tây rời thị trường Nga. Tuy nhiên, ông tuyên bố Armenia luôn đảm bảo sự tuân thủ của các tổ chức tài chính và cho biết sẽ không trở thành một quốc gia theo “chủ nghĩa cơ hội”.
Hiện vẫn chưa rõ các vòng trừng phạt tiếp theo của phương Tây lên Nga sẽ bao gồm những biện pháp nào cũng như thời điểm các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chúng có thể khiến các quốc gia bị ảnh hưởng phải suy nghĩ lại về chính sách của mình, đặc biệt là với các nước muốn gia nhập EU và NATO.