Nguy cơ cao xảy ra thiếu nước trên diện rộng
Trong những tháng tới, dự báo lượng nước thiếu hụt ở nhiều sông vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25-80%. Dự báo nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước và trên diện rộng rất cao.
Các hồ thiếu hụt 1,5 tỷ m3 nước
Trong cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2020 do Bộ Tài Nguyên và môi trường (TN&MT) tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục tài nguyên nước (Bộ TN&MT), cảnh báo tình hình hạn hán, thiếu nước của Việt Nam rất khốc liệt và nặng nề.
Trong mùa lũ năm 2019, với lượng mưa thấp và hầu như không xuất hiện các đợt lũ lớn trên hầu hết trên 11 lưu vực sông lớn và đồng bằng Sông Cửu Long. Bước vào đầu mùa cạn (tháng 12.2019), lượng dòng chảy trên các sông, suối ở trên các lưu vực sông là rất nhỏ, đặc biệt là các lưu vực sông ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%.
Lượng nước tích được trong các hồ chứa lớn, quan trọng cũng rất thấp. Ông Vĩnh lưu ý, tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ so với yêu cầu tối thiểu khoảng 1,5 tỷ m3. Đáng chú ý, bảy lưu vực sông gồm sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Ba, mực nước các hồ chứa đang thấp hơn so với yêu cầu tối thiểu phải đạt được vào mùa cạn.
Lượng nước tích được ở các hồ chỉ vào khoảng từ 40-65% so với thiết kế, riêng ba lưu vực Sê San, SrePok, Kôn, tỷ lệ tích ở các hồ được 82-96% so với thiết kế tùy từng hồ.
Trong thời gian từ đầu mùa cạn đến nay, lượng dòng chảy trên các sông, suối đều sụt giảm và thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-55%, một số sông thấp hơn 80%.
Ông Vĩnh cho biết thêm, đối với các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, chỉ có 20-30% các hồ chứa đã tích đầy nước và đạt mức nước thiết kế vào đầu mùa, khoảng 50-60% các hồ còn lại tích được trên 75% dung tích thiết kế.
Đáng chú ý, một số hồ chứa lớn, quan trọng như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, lượng nước tích được đầu mùa cạn chỉ đạt từ 40-75% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%.
Riêng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích hơn 6 tỷ m3 đã ghi nhận mực nước hồ thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.
Nguy cơ cao tiếp tục xảy ra thiếu nước trên diện rộng
Ông Châu Trần Vĩnh cho biết thêm, hiện nay hai vùng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã qua mùa khô bắt đầu vào mùa mưa lũ, chỉ còn lại miền Trung và một phần của Tây Nguyên đang nằm trong mùa khô, còn khoảng 1 tháng nữa mới đến mùa mưa lũ.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra trên phạm vi rộng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên từ đầu mùa cạn (tháng 12.2019). Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40-70%, lượng nước tích được đầu mùa cạn của các hồ lớn chỉ đạt từ 40-70%, có hồ chứa chỉ tích được khoảng 15-25%, trong khi tỷ lệ này ở các hồ nhỏ lần lượt 70-80% và 40-50%.
Trước tình hình này, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan như Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục khí tượng thủy văn giám sát theo dõi, phối hợp nhịp nhàng giữa việc điều hành hồ chứa, điều tiết nguồn nước trên cơ sở bản tin cảnh báo, dự báo của cơ quan khí tượng.
Hiện nay, còn 19/34 hồ có thể điều tiết nước cho khu vực miền trung và Tây Nguyên có mực nước tối thiểu bắt đầu vào thời kỳ vận hành mùa lũ, còn 15 hồ đang trong giai đoạn cuối. Hồ sông Tranh và hồ sông Ba Hạ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu theo quy định với tổng lượng nước thiếu hụt khoảng 28 triệu m3.
Mặc dù, có một vài lưu vực vẫn còn nguy cơ thiếu nước nhưng xét về tổng thể lượng nước các hồ chứa còn lại, nếu được điều tiết hợp lý, tiết kiệm vẫn có thể đủ cung cấp nước cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn (đến 31/8 là hết mùa cạn)
Đại diện Cục quản lý Tài nguyên nước lưu ý, theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, lượng dòng chảy trên các sông có thể được cải thiện hơn nhưng lượng nước thiếu hụt ở nhiều sông vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25-80%, thậm chí một số sông trên 85%. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và theo dự báo thì nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước trên diện rộng cao nhất là khi đang trong thời kỳ nắng nóng.
Đối với những khu vực chịu ảnh hưởng bởi điều tiết nước của các hồ chứa lớn, quan trọng nằm trong các quy trình vận hành liên hồ chứa, với dung tích các hồ vẫn chứa đựng hiện nay nếu sử dụng hợp lý tiết kiệm thì có thể đủ cân đối cho hết mùa cạn năm 2020. Tuy nhiên, đối với những hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ nguy cơ không tích đủ nước để phục vụ cho nông nghiệp và mục đích sinh hoạt tương đối khó khăn.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, trong thời gian tới Bộ TN&MT trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục quản lý Tài nguyên nước và các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát vận hành các hồ chứ cấp nước cho hạ du.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguy-co-cao-xay-ra-thieu-nuoc-tren-dien-rong-24529.html