Nguy cơ cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên

Ngày 30-3, Trạm khí tượng tại Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận nắng chói chang, gió nóng Ô Quý Hồ thổi theo hướng tây nam, tốc độ 4m/giây, độ ẩm giảm xuống còn 14%, làm tăng nguy cơ cháy rừng, đẩy cấp báo động cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và vùng phụ cận lên cao.

Hệ thống ca-mê-ra quan sát rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang). Ảnh: HỒNG THÁI

Hệ thống ca-mê-ra quan sát rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang). Ảnh: HỒNG THÁI

Ngày 30-3, Trạm khí tượng tại Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận nắng chói chang, gió nóng Ô Quý Hồ thổi theo hướng tây nam, tốc độ 4m/giây, độ ẩm giảm xuống còn 14%, làm tăng nguy cơ cháy rừng, đẩy cấp báo động cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và vùng phụ cận lên cao.

Trước tình hình nắng nóng, khô hạn xảy ra trên diện rộng, độ ẩm trong các khu rừng xuống thấp, tiềm ẩn khả năng xảy ra cháy rừng, từ ngày 29-3, Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh.

Sau khi thu hoạch xong 23.000 ha lúa đông xuân chính vụ, các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang còn hơn 15.000 ha diện tích lúa đông xuân muộn, vườn cây ăn trái, hoa màu có nguy cơ thiếu nước ngọt do nguồn nước trong kênh mương nội đồng thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Ðông, thị xã Gò Công của tỉnh Tiền Giang bắt đầu cạn dần.

Huyện Ðăk Hà là địa phương có nhiều diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ đông xuân 2020 - 2021 lớn nhất của tỉnh Kon Tum, với gần 2.000 ha. Hiện một số loại bệnh hại trên cây trồng đã xuất hiện, như: thán thư trên cây cà-phê; đốm nâu, vàng lá, tuyến trùng rễ trên cây lúa; khô miệng trên cây cao-su… Ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng loại bệnh, đúng và đủ liều lượng.

Tại Thái Nguyên, bệnh viêm da nổi cục sau khi xuất hiện tại hai địa phương là huyện Võ Nhai và thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), mới đây, tiếp tục được phát hiện trên đàn trâu tại thành phố Sông Công. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát, khống chế ổ dịch, không để lây lan rộng.

Ngành nông nghiệp Nghệ An cùng các địa phương trong tỉnh đang tập trung các giải pháp giúp nông dân phòng, chống bệnh khảm lá sắn gây hại trên 1.600 ha sắn bị nhiễm bệnh ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Ðàn, Yên Thành.

Tại hai huyện miền núi Ðồng Xuân và Sông Hinh (Phú Yên) bệnh lở mồm long móng bùng phát trên đàn bò từ tháng 1-2021 đến nay làm cho 180 con bò bị mắc bệnh, chết. Chính quyền các xã đang khẩn trương phối hợp các cơ quan chuyên môn phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và khuyến cáo người dân không xuất bán bò bị bệnh ra thị trường...

Nông dân tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch mía nguyên liệu niên vụ 2020 - 2021. Giá mía tăng nên người trồng mía trên địa bàn tỉnh có lợi nhuận từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Hiện, mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường được Công ty Mía đường Trà Vinh thu mua tại ruộng là 1.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Khoảng nửa tháng nay, giá thanh long tại Long An tăng rất mạnh. Thanh long ruột đỏ loại 1 hiện được các thương lái thu mua tại vườn từ 33.000 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 25.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng cũng được mua với giá từ 17.000 đến 18.000 đồng/kg. Không chỉ thanh long, một số loại trái cây khác như xoài, dừa tươi, chuối… cũng có giá tốt nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh.

Giá dừa khô ở thị trường tỉnh Trà Vinh hơn một tuần nay đã lên "cơn sốt" từ 75.000 đồng/chục hiện được các đại lý thu gom tại vườn với giá 85.000 đồng/chục. Giá dừa khô tăng cao do hiện nay đang là thời điểm các cơ sở chế biến ngành hàng dừa tập trung sản xuất cho các hợp đồng cung ứng sản phẩm được ký kết trong năm 2021.

Ngày 30-3, tỉnh Phú Yên tổ chức nghiệm thu đưa Trung tâm Giống thủy sản nước mặn (diện tích 8 ha tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An; tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng) vào hoạt động, phục vụ cho việc phát triển ngành thủy sản của tỉnh. Ðây sẽ là nơi nhân nuôi, ươm các loại giống thủy sản để cung ứng cho nuôi thương phẩm với công suất 170 triệu con giống/năm.

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện nguồn tôm hùm giống không đủ cung ứng nhu cầu của các hộ nuôi, khiến giá tăng cao. Năm 2021, toàn tỉnh dự kiến thả nuôi gần 53 nghìn lồng tôm hùm, giảm gần 8 nghìn lồng so với năm trước nhưng hiện vẫn còn hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm chưa có giống thả.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nguy-co-chay-rung-o-vuon-quoc-gia-hoang-lien-640371/