Nguy cơ chế tạo lại vắc-xin Covid-19 hằng năm?

Trong trường hợp virus SARS-CoV-2 bị biến đổi, nhưng không thoát được hiệu quả của vắc-xin, các quốc gia sẽ không cần phải chế tạo vắc-xin hằng năm như với cúm.

Khoảng 25,9 triệu liều vắc-xin sẽ về Việt Nam trong tháng 8 đến tháng 11.

Khoảng 25,9 triệu liều vắc-xin sẽ về Việt Nam trong tháng 8 đến tháng 11.

Tuy nhiên, với biến thể 501.V2, nguy cơ cần chế tạo lại vắc-xin Covid-19 hằng năm được dự báo là có thể xảy ra.

Ngăn chặn nguồn bệnh ngoại lai

Mới đây, Bộ Y tế đã thông báo lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc-xin. Cụ thể, VNVC sẽ chuyển giao 30 liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận và 30 triệu liều từ COVAX Facility.

Theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ngày 25/3, lô vắc-xin đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25/4.

Như vậy, đến hết tháng 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ COVAX Facility. Khoảng 25,9 triệu liều vắc-xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11.

Trong bối cảnh hiện tại, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho rằng, cần tính đến tất cả biện pháp phòng bệnh trong giai đoạn vắc-xin chưa đủ độ phủ. Điều quan trọng là trong thời gian chờ độ phủ vắc-xin, mọi người cần thực hiện tốt quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhận định, dịch bệnh trong nước hiện được khống chế. Các ca mắc ngoại lai từ đường hàng không sẽ khó xuất hiện. Song, nếu không ngăn chặn các ca bệnh ngoại lai từ đường bộ, dịch bệnh sẽ tái bùng phát.

Trong khi đó, bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Nội khoa Y tế MEDIC (TPHCM) giải thích: “Vắc-xin làm từ những mảnh nguyên liệu của virus, gọi là antigen (kháng nguyên). Kháng nguyên được đưa vào cơ thể qua da hay uống”.

Theo đó, kháng nguyên có tác dụng khiến cơ thể người sản sinh ra kháng thể chống lại nó. Và, việc tiêm vắc-xin sẽ hiệu quả khi cơ thể tạo ra kháng thể.

Song, bác sĩ Trung cảnh báo, kháng nguyên có thể gây dị ứng hay phản ứng quá mẫn do cơ địa nạn nhân.

Chia sẻ về vắc-xin Covid-19, TS Phạm Hùng Vân - giảng viên môn Vi sinh, Khoa Y, Trường Đại học Y dược TPHCM, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM cảnh báo, với khả năng biến thể thoát được hiệu quả vắc-xin, đây sẽ là nguy cơ “tệ hại”. Bởi, hiện tại, các nước trên thế giới đã quá “mệt mỏi” với tình trạng phải cách ly, đóng cửa.

Trong trường hợp virus bị biến đổi, nhưng không thoát được hiệu quả của vắc-xin, các quốc gia sẽ không cần phải chế tạo vắc-xin hằng năm như với cúm.

“Tuy nhiên, với biến thể 501.V2 đã được phân tích là có thể thoát khỏi hiệu quả của vắc-xin, vấn đề phải chế tạo lại vắc-xin Covid-19 hằng năm là rất có thể”, TS Vân dự đoán.

Ngăn chặn vắc-xin giả

Bộ Y tế thông tin, thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca… Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, các nhà sản xuất vắc-xin hiện tại chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân này.

Ngày 1/3, Astra Zeneca có thư khẳng định, ngoài chương trình COVAX, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC), Astra Zeneca không ủy quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 của hãng tại Việt Nam.

Tương tự, Moderna cũng khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Các nhà sản xuất vắc-xin khác như Pfizer, Johnson & Johnson đều có công ty chi nhánh tại Việt Nam.

Đối với vắc-xin Sputnik của Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam khẳng định, mọi sự mua bán, nhập khẩu, hợp tác cần trao đổi trực tiếp với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga. Trung Quốc, Ấn Độ cũng khẳng định, việc mua, nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 phải được Chính phủ phê duyệt.

Để bảo đảm việc cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ và an toàn, Bộ Y tế đề nghị: Các cơ quan, tổ chức khi nhận được thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, bảo đảm an toàn pháp lý, tài chính và thương mại.

Trong trường hợp cần thiết, có thể đề nghị các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công an, Cơ quan ngoại giao, Thương mại…) giúp xác minh thông tin liên quan đến việc cung cấp vắc-xin phòng Covid- 19.

Đồng thời, việc đàm phán, mua vắc-xin phòng Covid-19 cần được thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để đảm bảo việc nhập khẩu, sử dụng cũng như điều hành nguồn và tổ chức tiêm chủng được thông suốt.

Bên cạnh đó, các quốc gia, tổ chức có trách nhiệm tăng cường chia sẻ thông tin để chủ động phòng chống hoạt động giả mạo trong cung ứng, mua bán vắc-xin phòng Covid-19.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nguy-co-che-tao-lai-vac-xin-covid-19-hang-nam-b4EBjBUMg.html