Nguy cơ chiến tranh vệ tinh Nga – Mỹ và lỗ hổng luật pháp
Việc một quan chức Nga gần đây tuyên bố Mátxcơva có thể tấn công các vệ tinh phương Tây đang hỗ trợ Ukraine cho thấy một mảng khuyết của luật quốc tế, làm dấy lên quan ngại về sự an toàn của các vật thể trong quỹ đạo.
“Hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu chính đáng để tấn công đáp trả”, ông Konstantin Vorontsov, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga phát biểu trước Liên Hợp Quốc.
Ông nhắc lại quan điểm của Mátxcơva rằng các vệ tinh thương mại và dân sự của phương Tây hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine là “xu hướng cực kỳ nguy hiểm”.
Đến nay vẫn chưa có quốc gia nào dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh của kẻ thù. Hành động này nếu xảy ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chắc chắn sẽ khiến căng thẳng Nga – Mỹ leo thang nghiêm trọng.
“Mối đe dọa này kéo chúng ta đến bờ vực chưa từng thấy. Luôn có cảm giác rằng điều này có thể xảy ra, nhưng chưa từng có ai tuyên bố mạnh mẽ như vậy”, Michelle Hanlon, đồng giám đốc Trường Luật vũ trụ và không gian thuộc ĐH Mississippi, đánh giá.
Quân đội Ukraine phụ thuộc nhiều vào mạng internet băng thông rộng SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Các hãng Mỹ như Maxar cũng đang chụp ảnh chiến trường bằng vệ tinh trên quỹ đạo. Hàng chục ngàn thiết bị liên lạc ở Ukraine dựa vào mạng vệ tinh của tập đoàn Mỹ Iridium.
“Không gian vũ trụ hiện nay đã rất lộn xộn. Nếu ai đó bắt đầu bắn vệ tinh, tôi tưởng tượng việc đó sẽ nhanh chóng biến không gian trở nên không thể dùng được nữa”, Matt Desch, giám đốc điều hành Iridium, nói với Reuters.
Musk và SpaceX chưa đưa ra phát biểu nào. Đầu tháng này, công ty của Musk gây xôn xao khi nói rằng sẽ không trả tiền cho dịch vụ vệ tinh Starlink ở Ukraine nữa. Vị tỷ phú sau đó đã nhanh chóng thay đổi quan điểm.
Theo luật xung đột vũ trang, việc Nga tấn công vào vệ tinh tư nhân của Mỹ có thể bị coi là hành động chiến tranh, và Mỹ sẽ đáp trả, ông Hanlon cho biết.
Ngày 27/10, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào hạ tầng của Mỹ cũng sẽ bị đáp trả, nhưng không cho biết Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.
“Khía cạnh pháp lý của hành động này đến nay vẫn rất mù mờ. Chúng ta chưa có tiền lệ nào về hành động sử dụng vũ lực với vệ tinh trong thời chiến”, Brian Weeden, một chuyên gia về chính sách không gian mạng tại quỹ Secure World Foundation, cho biết.
Theo các luật sư, việc Nga tấn công vệ tinh Mỹ (nếu xảy ra) có vi phạm Hiệp ước Không gian 1967 hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Công ước Trách nhiệm pháp lý năm 1972, trong đó Nga là một bên tham gia, quy định rằng các nước phải bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào do vật thể ngoài không gian của mình gây ra.
Năm ngoái, Nga phóng một tên lửa lên tiêu diệt một vệ tinh của chính họ trên quỹ đạo. Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quan chức và công ty phương Tây cáo buộc Mátxcơva nhiều lần tấn công tin tặc và gây nhiễu tín hiệu internet vệ tinh ở khu vực.
Phương Tây và các nhà thiên văn học chỉ trích rằng tên lửa chống vệ tinh tạo ra rác trên quỹ đạo, gây đe dọa hạ tầng vũ trụ quan trọng, từ các trạm vũ trụ có người làm nhiệm vụ đến mạng GPS mà các chính phủ và hàng triệu người dân đang dựa vào.
Ông Vorontsov không nêu tên công ty nào trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc ngày 26/10. Tuy nhiên, mạng Starlink của SpaceX được cho là dễ trở thành mục tiêu. Musk nói rằng đã có những nỗ lực cản trở tín hiệu của mạng này.
Quân đội Mỹ nói rằng một mạng gồm hàng ngàn vệ tinh kết nối với nhau bao quanh Trái đất như Starlink có sức chịu đựng tốt trước các cuộc tấn công diệt vệ tinh, vì một phần nhỏ của mạng lưới bị tấn công sẽ không thể vô hiệu hóa toàn bộ mạng.
“Nó làm phức tạp tính toán của đối phương. Nếu có rất nhiều vệ tinh, họ không biết tấn công cái nào”, Trung tướng Philip Garrant, phó tư lệnh chiến lược và chiến dịch của Lực lượng vũ trụ Mỹ, nói.
Mạng Starlink của SpaceX gồm khoảng 3.000 vệ tinh. Ngoài ra còn có vài chục vệ tinh thương mại Mỹ đang nhìn xuống Nga và Ukraine.
“Phá hủy 1 hoặc 2, thậm chí chục cái cũng không tác động nhiều lắm”, Weeden nói.