Nguy cơ côn trùng kháng hóa chất diệt ngày càng cao
Tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, việc sử dụng hóa chất diệt côn trùng thiếu sự kiểm soát dẫn đến nhiều loài côn trùng truyền bệnh kháng hầu hết các loại hóa chất diệt ở mức độ rộng khắp với chiều hướng ngày càng gia tăng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có hơn 500 loài côn trùng có vai trò truyền bệnh đã kháng với hóa chất diệt, trong đó có hơn 50% số loài là véc tơ truyền bệnh sốt rét, sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ, như muỗi Anopheles gambiae ở châu Phi, Aedes aegypti ở châu Mỹ, Thái Lan, Malaysia.
Theo các chuyên gia, với đặc điểm sinh học của loại muỗi Dengue gây bệnh SXH là thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà, đặc biệt chúng sinh trưởng trong môi trường nước trong. Do vậy, kỹ thuật phun nếu không đạt chuẩn cũng sẽ không đảm bảo diệt được muỗi. Chính vì vậy, người dân không nên tự ý phun thuốc diệt muỗi.
Điều này cực kỳ nguy hiểm, gây khó khăn trong công cuộc phòng chống bệnh SXH. Một số người do hạn chế về hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận sử dụng các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp (vốn chỉ phun ngoài trời) để diệt muỗi trong nhà rất dễ gây ngộ độc. Mặt khác, việc tự ý sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng muỗi kháng thuốc, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Ngày nay người ta biết rất rõ lợi ích và tác hại của hóa chất diệt côn trùng đến sức khỏe, môi trường và sự kháng thuốc nên đã tìm cách giảm và tránh lạm dụng hóa chất. Song để diệt muỗi truyền bệnh, chưa có biện pháp hiệu quả hơn có thể thay thế biện pháp hóa chất diệt côn trùng.
Hiện nay các hóa chất thuộc nhóm Pyrethroid được sử dụng rộng rãi để kiểm soát muỗi truyền bệnh trong đó có muỗi Aedes và muỗi Anopheles, do tương đối an toàn với người sử dụng ở liều khuyến cáo, với môi trường cũng tương đối an toàn vì tự hủy nhanh trong đất.
Đặc biệt các hóa chất nhóm Pyrethroid có tác dụng hạ gục nhanh và rất độc với côn trùng, đây là nhóm hóa chất duy nhất được phép tẩm vào màn ngủ và các vật liệu để phòng chống sốt rét trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, muỗi Ae. aegypti đã xuất hiện kháng với các hóa chất diệt nhóm Pyrethroid ở nhiều nơi trên thế giới và có chiều hướng ngày càng gia tăng, đe dọa đến sự thành công của nhiều chương trình kiểm soát muỗi truyền bệnh dựa vào hóa chất diệt.
Lạm dụng phun thuốc làm muỗi kháng hóa chất
Theo Tổ chức Y tế Thế giới bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới; nhiều nhất là vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi có số người mắc SXH cao nhất. Ở Việt nam, trong những năm gần đây bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue ngày càng gia tăng về số lượng bệnh nhân mắc và tử vong, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình gia tăng SD/SXHD, tuy nhiên một trong những nguyên chính làm hạn chế hiệu quả của các biện pháp phòng chống là do các véc tơ đã phát triển tính kháng hóa chất diệt.
Các cá thể có đột biến kháng hóa chất được tự nhiên chọn lọc và bảo tồn đã tạo ra những chủng trơ với hóa chất diệt. Hơn nữa, trong Dự án phòng chống SD/SXHD, vấn đề quản lý véc tơ và các biện pháp phòng chống véc tơ, đặc biệt biện pháp phòng chống véc tơ đối với các vụ dịch đang còn nhiều hạn chế.
Trên thị trường còn có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi, trong đó xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí không có nhãn mác đầy đủ…
Bên cạnh đó, chỉ cần gõ Google sẽ có vô vàn trang web mời quảng cáo phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng tại nhà với đủ các mức giá. Bộ Y tế đã có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng hóa chất và phun hóa chất phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc tự ý mua, tự ý sử dụng thuốc ngoài sự kiểm soát như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí nhiễm độc thuốc khi sử dụng.