Nguy cơ của việc hiến tặng tinh trùng trên Internet ở Nhật

Thiếu chính sách chặt chẽ, nguy cơ lộ diện danh tính người hiến khiến nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản tìm đến dịch vụ hiến tặng tinh trùng qua mạng xã hội.

Zing trích dịch bài đăng Japan Times, đề cập đến xu hướng tìm người hiến tinh trùng trên mạng xã hội của nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản.

Ngoại hình sáng sủa. Mắt hai mí. Mũi cao. Đam mê thể thao. Cao 1,65 m, nặng 55 kg. Liên hệ nếu có nhu cầu.

Phần giới thiệu trên Twitter của chàng trai 34 tuổi Keita Yoshizawa (tên nhân vật được thay đổi) khiến nhiều người lầm tưởng anh đang tìm kiếm bạn gái trên mạng. Song, đối tượng Yoshizawa muốn gây ấn tượng không phải các cô nàng độc thân, mà là những người có nhu cầu nhận tinh trùng.

Một buổi tối tháng 11 lạnh giá, Yoshizawa hẹn gặp khách hàng ở một khách sạn tại quận Ueno, Tokyo. Giống như mọi lần, anh sẽ vào phòng riêng để tự lấy tinh trùng, trong khi người nhận chờ ở một phòng khác. Mẫu tinh được chứa trong cốc khử trùng rồi trao lại cho khách hàng.

 Keita Yoshizawa cho biết anh cảm thấy tự hào vì bản thân có thể giúp nhiều người thỏa nguyện làm cha mẹ. Ảnh: Tomohiro Osaki.

Keita Yoshizawa cho biết anh cảm thấy tự hào vì bản thân có thể giúp nhiều người thỏa nguyện làm cha mẹ. Ảnh: Tomohiro Osaki.

Chia sẻ với Japan Times, Yoshizawa cho biết những người tìm đến dịch vụ hiến tặng tinh trùng khá đa dạng, từ các cặp vợ chồng hiếm muộn, người LGBT cho đến những phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân. Dù thường xuyên nhận được yêu cầu, chàng trai 34 tuổi vẫn giữ bí mật công việc này vì sợ định kiến xã hội.

"Nhiều người nói tôi là hy vọng cuối cùng họ có. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi việc mình làm giúp họ đạt được ước nguyện làm cha, làm mẹ", Yoshizawa nói.

Yoshizawa là một trong hàng trăm nam giới làm công việc hiến tặng tinh trùng trên Internet. Ngày nay, những người có nhu cầu chỉ cần lên mạng xã hội, tìm kiếm giữa hàng loạt hồ sơ để lựa chọn người hiến phù hợp.

Trong khi không ít người hiến tình nguyện không lấy tiền, Yoshizawa lại yêu cầu khách hàng trả khoảng 1.400 yen cho một tiếng gặp mặt, bao gồm phí di chuyển và một số khoản phát sinh.

Hiến tặng ẩn danh trên Internet

Hiện nay, Nhật Bản chưa có điều khoản cụ thể đối với các công nghệ hỗ trợ sinh sản như hiến tặng tinh trùng và buồng trứng.

Đầu tháng 12, chính phủ mới thông qua một dự luật công nhận các cặp vợ chồng có con nhờ tinh trùng hiến tặng là cha mẹ hợp pháp nhằm hướng tới việc xây dựng khung pháp lý. Đặc biệt, dự luật nhấn mạnh người chồng không thể phủ nhận trách nhiệm làm cha sau khi đồng ý để vợ mang thai qua hình thức này.

Khác với nước Mỹ, xứ hoa anh đào không có hệ thống ngân hàng tinh trùng thương mại. Kể từ năm 1948, cơ quan y tế nước này phải chỉ đạo tích lũy các mẫu cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu thụ tinh nhân tạo bởi người hiến tặng ẩn danh (AID).

Nhưng gần đây, ngày càng nhiều đứa trẻ được sinh ra dưới phương thức AID mong muốn tìm hiểu danh tính “bố sinh học” của mình. Sợ bị tiết lộ thân phận, không ít người hiến lựa chọn từ bỏ công việc tình nguyện này, khiến các bệnh viện rơi vào tình cảnh khan hiếm nguồn cung, buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng phương pháp AID.

 Nhiều bệnh viện ở Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hiếm tinh trùng vì người hiến sợ bị tiết lộ danh tính. Ảnh: VGC.

Nhiều bệnh viện ở Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hiếm tinh trùng vì người hiến sợ bị tiết lộ danh tính. Ảnh: VGC.

Bệnh viện Đại học Keio, cơ sở y tế dẫn đầu Nhật Bản về điều trị AID, cũng vấp phải trở ngại như trên. Năm 2017, đơn vị này phải cập nhật mẫu đơn đăng ký tự nguyện, cảnh báo người hiến tiềm năng rằng những đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng hiến tặng có khả năng khởi kiện, đòi công khai danh tính của họ.

Điều này khiến nhu cầu AID tại Bệnh viện Đại học Keio giảm mạnh từ 1.952 ca vào năm 2016 xuống 481 ca vào năm 2019, buộc cơ sở y tế này phải ngừng tiếp nhận yêu cầu điều trị AID.

“Giờ đây mọi người tìm đến các dịch vụ hiến tặng ẩn danh trên mạng hoặc liên hệ ngân hàng tinh trùng ở nước ngoài vì các cơ sở y tế nội địa không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu”, Mamoru Taka, giáo sư khoa Sản và Phụ khoa tại Bệnh viện Đại học Keio, nói.

Hy vọng cuối cùng

Chỉ cần nhập từ khóa “seishi teikyo” (hiến tặng tinh trùng) trên mạng xã hội Twitter, hàng trăm tài khoản với hồ sơ giới thiệu chi tiết lập tức xuất hiện. Người hiến thường đăng tải thông tin thể hiện ưu thế như ngoại hình, học vấn, tài lẻ nhằm thu hút khách hàng.

Trước nhu cầu tăng vọt, Ton Bebe - website “mai mối” giữa người hiến và người nhận - đã ra mắt. Theo nhà sáng lập Shizuka Kakimoto, trang này hiện có 1.400 thành viên, tăng đột biến từ mốc 100 người hồi đầu năm.

Có hai phương thức thường được áp dụng trong quy trình hiến tặng tự phát là sử dụng bơm tiêm hoặc quan hệ tình dục thâm nhập.

Bắt đầu công việc kể từ tháng 6, Yoshizawa luôn lựa chọn phương thức bơm tiêm. Đến nay, anh đã thành công giúp đỡ một phụ nữ mang thai và hiến tặng tinh trùng cho 7 cặp vợ chồng.

Gần đây, Yoshizawa nhận lời một đôi sống tại Tokyo trong độ tuổi 30. Chia sẻ với Japan Times, người chồng chuyển giới và vợ chia sẻ rằng tìm kiếm người hiến qua Internet không phải lựa chọn đầu tiên của họ.

“Tôi biết nhiều nam giới sẵn sàng cho đi tinh trùng miễn phí, nhưng website của họ trông khá đáng ngờ. Tôi từng thề sẽ không nhờ tới sự giúp đỡ từ những dịch vụ này”, người chồng kể lại.

 Một người chuyển giới nam (phải) và vợ theo dõi chu kỳ rụng trứng để nâng cao khả năng thụ thai nhờ tinh trùng hiến tặng. Ảnh: Tomohiro Osaki.

Một người chuyển giới nam (phải) và vợ theo dõi chu kỳ rụng trứng để nâng cao khả năng thụ thai nhờ tinh trùng hiến tặng. Ảnh: Tomohiro Osaki.

Tuy nhiên, hai vợ chồng sớm nhận ra rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Theo luật pháp Nhật Bản, chỉ các cặp kết hôn hợp pháp mới được thừa nhận quyền làm cha mẹ của những đứa trẻ sinh ra theo phương pháp AID. Do đó, người thuộc cộng đồng LGBT không được các bệnh viện chấp thuận yêu cầu mang thai nhờ tinh trùng hiến tặng.

Hơn hết, cả hai người đều không thoải mái với quá trình tiến hành AID vì tính chất ẩn danh. Mọi thông tin về người hiến tặng đều được bảo mật, kể cả ngoại hình.

“Tôi muốn đứa trẻ trông giống chồng mình một chút. Chúng tôi không muốn con bị trêu chọc, mỉa mai vì ngoại hình khác cha mẹ”, người vợ nói.

Họ từng cân nhắc việc xin tinh trùng từ ngân hàng Mỹ hay Đan Mạch, song chi phí lên tới hàng triệu yen khiến họ phải từ bỏ ý định và tìm tới Yoshizawa.

“Ưu điểm của việc tìm người hiến trên mạng là bạn được gặp mặt họ. Sau vài lần gặp mặt, chúng tôi cảm thấy thực sự thoải mái, kết nối với Keita, dù không biết tên thật hay nơi anh ấy sống”, người chồng chia sẻ.

Nguy cơ tiềm ẩn

Thiếu sự quản lý từ chính quyền, xu hướng hiến tặng tự do qua Internet vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng ngại.

Nhiều tình nguyện viên, trong đó có Yoshizawa, luôn cho khách hàng xem kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm đảm bảo tính an toàn.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm STD vẫn còn trừ khi tinh trùng được bảo quản đông lạnh trong ít nhất 180 ngày để kiểm tra chính xác. Vì vậy, các cơ sở y tế như Bệnh viện Đại học Keio chỉ sử dụng tinh trùng đông lạnh cho các thủ thuật AID.

"Dù tình nguyện viên có tử tế, tốt bụng và chân thành đến đâu, nguy cơ sức khỏe vẫn tồn tại vì bạn bơm thẳng tinh trùng hiến tặng vào cơ thể mình".

 Bất chấp nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm đến những người hiến tặng trên mạng vì mong muốn có con.

Bất chấp nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm đến những người hiến tặng trên mạng vì mong muốn có con.

Không gì có thể đảm bảo tinh trùng được đưa tới bạn thực sự là từ người hiến. Chúng được đựng trong cốc khử trùng, nhưng chuyện đó liệu có thật hay không?", tư vấn viên Riko Ishihara bày tỏ.

Mặc cho những nguy cơ tiềm ẩn, nhiều cặp vẫn quyết định đánh cược vì mong muốn có con.

"Đây là hy vọng duy nhất. Chúng tôi không khuyến khích ai thử phương pháp này, song với hai vợ chồng, đây thực sự là cơ hội cuối cùng", người chồng chuyển giới tới từ Tokyo nói.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-cua-viec-hien-tang-tinh-trung-tren-internet-o-nhat-post1167885.html