Nguy cơ 'cuộc chiến nguồn nước' trên sông Nile
Đàm phán giữa 3 nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đã tiếp tục trở lại vào ngày 15-6 xung quanh vấn đề Ethiopia xây dựng đập thủy điện Grand Ehtiopian Renaissance (GERD) trên dòng Nile Xanh, một trong 2 nhánh chính của sông Nile. Trong đó, Ethiopia đang nắm thế chủ động nhưng Ai Cập cũng không chịu thiệt.
Nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến vì tranh giành nguồn nước đã được đặt ra.
Vấn đề gây tranh cãi hiện nay là việc Ethiopia chuẩn bị thực hiện công đoạn dẫn nước vào đập GERD để tiến hành các bước kỹ thuật cuối cùng nhằm vận hành các tổ máy thủy điện. Nhưng Ai Cập nêu quan ngại rằng việc dẫn nước vào đập quá nhanh và không có thỏa thuận nào với các quốc gia cùng chung dòng sông có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước sông Nile cho quốc gia hạ nguồn là Ai Cập.
Vấn đề dẫn nước là một trong những mấu chốt trong đàm phán về chia sẻ nguồn nước sông Nile giữa Ai Cập và 2 quốc gia thượng nguồn là Sudan và Ethiopia, trong đó 2 quốc gia thượng nguồn có vẻ muốn “bắt tay” nhau nhiều hơn vì cùng chung trên nhánh sông Nile Xanh và có lợi ích chung về thủy điện. Sudan tuy chịu ảnh hưởng bởi tình trạng cạn kiệt nguồn nước sông Nile Xanh do đập GERD gây ra, song Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok lại nhìn thấy lợi ích tiềm ẩn từ nguồn cung cấp điện giá rẻ hơn hiện nay.
Tuy nhiên, ở phía hạ nguồn, Ai Cập không nghĩ như thế. Từ lâu, Ai Cập xem đập GERD là vấn đề đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia, bởi con đập này có thể lấy đi nguồn nước mà hơn 100 triệu dân Ai Cập cần để duy trì sự sống trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai. Vì thế, căng thẳng đã xuất hiện giữa Ai Cập và Ethiopia (và đôi khi cả Sudan) bắt nguồn từ việc Ethiopia quyết định triển khai dự án đập thủy điện GERD.
Đàm phán giữa 3 quốc gia trên châu thổ sông Nile đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm do Ai Cập và Ethiopia thường xuyên có những bất đồng về lợi ích. Sau nhiều tháng bế tắc, đàm phán bắt đầu được nối lại vào ngày 9-6 bằng hình thức hội nghị video từ xa, với sự trung gian của Mỹ, EU và Nam Phi quan sát. Ngày 13-6, Bộ Thủy lợi Ai Cập ra tuyên bố cáo buộc Ethiopia đang khiến cho tiến trình đàm phán bị trì trệ, giẫm chân tại chỗ, không thể tiến triển.
Người phát ngôn Mohammed el-Sabaei của Bộ Thủy lợi Ai Cập cho rằng Ethioipia đang tìm cách đàm phán một số nội dung mà các bên có thể thỏa thuận được, trong khi phớt lờ “những vấn đề cơ bản” gây căng thẳng giữa hai nước. Trước đó 1 ngày (12-6), Phó Tổng tư lệnh quân đội Ethiopia cũng đã khiến dư luận nghĩ đến nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang giữa Ethiopia với Ai Cập khi tuyên bố rằng nước ông sẽ “tự bảo vệ một cách mạnh mẽ và sẽ không đàm phán về chủ quyền của mình”.
Sông Nile được thế giới xem là con sông dài nhất, với 6.853 km. Thượng nguồn con sông gồm 2 nhánh. Sông Nile Trắng bắt nguồn từ hồ Victoria nằm giữa Uganda, Rwanda và Tanzania; sông Nile Xanh bắt nguồn từ hồ Tana trên cao nguyên của Ethiopia, sau đó chảy qua Sudan rồi hợp lưu với sông Nile Trắng thành sông Nile chảy vào lãnh thổ Ai Cập ở hạ nguồn trước khi đổ ra biển Đại Trung Hải.
Tranh chấp nguồn nước sông Nile đã xuất hiện từ rất lâu, ngay từ thời đế quốc Anh đô hộ vùng châu thổ sông Nile hàng thế kỷ trước. Cách đây vài chục năm, một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước do đế quốc Anh bảo trợ đã được ký kết, theo đó Ai Cập là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn nước sông Nile. Sau khi các quốc gia giành độc lập từ Anh, tranh chấp nguồn nước bắt đầu xuất hiện trở lại. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm thiết lập những thỏa thuận chia sẻ nước sông Nile nhưng bất thành, bởi rất khó dung hòa lợi ích của tất cả các quốc gia do khác biệt về chính trị, chiến lược và xã hội.
Năm 2010, Ethiopia, Rwanda, Tanzania và Uganda đã ký một thỏa thuận mới về chia sẻ nguồn nước sông Nile nhưng bị Ai Cập và Sudan phản đối quyết liệt. Thời điểm đó, Uganda quyết định triển khai dự án đập thủy điện GERD khiến cho tranh chấp nguồn nước thêm phần phức tạp.
Sau nhiều vòng đàm phán thất bại, Mỹ và Ngân hàng Thế giới bắt đầu nhúng tay vào bảo trợ cho đàm phán từ tháng 11-2019 với hy vọng các bên sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện. Sự can thiệp của Mỹ được cho là kết quả của một cuộc hội đàm từ xa giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, đến tháng 2-2020, đàm phán bỗng “mắc kẹt” và dừng lại sau khi Ethiopia thẳng thừng bác bỏ một dự thảo thỏa thuận của Bộ Tài chính Mỹ và cáo buộc Washington “kém xã giao” và cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump đứng về phía Ai Cập.
Tháng 4-2020, Thủ tướng Abiy Ahmed tuyên bố việc xây đập thủy điện là một trong 2 ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước ông trong giai đoạn hiện nay, vì việc cung cấp điện từ nguồn thủy điện trên sông Nile được xem là rẻ nhất, có thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện của gần 100 triệu dân Ethiopia. Tháng 5-2020, Ai Cập đã gửi một bức thư lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trình bày chi tiết những vấn đề phát sinh do việc Ethiopia xây dựng đập GERD.
Phía Ethiopia không chấp nhận quan điểm của Ai Cập. Bộ Nước và Năng lượng nước này hôm 14-6 cho rằng nếu tiến trình đàm phán hiện tại thất bại, lỗi là do phía Ai Cập “đã cố chấp duy trì một thỏa thuận phân chia nguồn nước có từ thời thuộc địa vốn đã chối bỏ các quyền lợi tự nhiên và hợp pháp của Ethiopia và tất cả các quốc gia thượng nguồn”. Ethiopia cho rằng thỏa thuận đó đã lỗi thời và không công bằng, vì đã dành phần hưởng lợi lớn nhất cho Ai Cập, trong khi 85% nguồn nước sông Nile được cung cấp bởi sông Nile Xanh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tỏ vẻ bi quan, cho rằng để giải quyết các tranh chấp giữa Ai Cập và Ethiopia để ký kết thỏa thuận có thể cần nhiều tháng nữa. Bộ Ngoại giao Ai Cập tuyên bố sẽ sử dụng “mọi phương tiện có được” để bảo vệ lợi ích của nhân dân mình, kể cả việc cho máy bay “ném bom” con đập nếu Ethiopia vẫn kiên quyết thực hiện theo ý mình.
Giới phân tích cho rằng chỉ có đàm phán là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề tranh chấp nguồn nước giữa Ai Cập và Ethiopia, nếu không sẽ khó tránh khỏi xung đột xảy ra.