Nguy cơ dịch bệnh tại các địa bàn biên giới
Điện Biên có hơn 455 km đường biên giới tiếp giáp Lào và Trung Quốc nằm trên địa bàn 4 huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé; gồm 29 xã với 313 thôn bản (trong đó 11 thôn, bản giáp biên).
Nhân dân khu vực 2 bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa; có nhiều trường hợp là công dân trên địa bàn khu vực biên giới sang lao động, làm thuê ở Trung Quốc và Lào nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi trở về địa phương. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành trong cả nước, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Những ngày này, người dân các thôn, bản biên giới trên địa bàn 2 xã Pa Thơm và Thanh Chăn (huyện Điện Biên) đã quen thuộc với hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh đem theo loa đài về khắp các bản vùng sâu, vùng xa tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người dân đã ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân và dọn dẹp vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Đặc biệt là người dân đã không còn tụ tập đông người như trước nữa”.
Trung tá Nguyễn Đình Lập, Đồn Biên phòng Pa Thơm, cho biết: Đồn được giao quản lý, bảo vệ 31 km đường biên giới Việt - Lào thuộc xã Pa Thơm và xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Nơi Đồn đóng quân có nhiều dân tộc, như: Mông, Khơ Mú, Lào… cùng sinh sống, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Địa bàn quản lý rộng, nhiều tuyến đường đi lại khó khăn, do đó cùng với các hình thức tuyên truyền khác, đồn đã tập trung vào hình thức tuyên truyền lưu động. Ở những khu vực tập trung đông người, cán bộ sẽ chạy xe chậm và phát đi phát lại các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành”.
* Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài, nhiều xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đông, do đó nguy cơ đối mặt với một số dịch bệnh truyền nhiễm cao.
Kết quả kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Bình Phước của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tháng 8/2020 cho thấy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Trong đó, đối với phòng, chống dịch Covid-19, Bình Phước đã thành lập 9 khu cách ly quân sự và 29 khu cách ly dân sự với công suất có thể cách ly hơn 8.800 người. Đến nay, tỉnh đã tổ chức cách ly cho hơn 5.000 người; lấy hơn 1.500 mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đối với bệnh bạch hầu, trên địa bàn Bình Phước ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh tại huyện Lộc Ninh và Bù Đăng. Cả hai bệnh nhân này đều không tiêm vắc xin có thành phần kháng bệnh bạch hầu và tiêm chủng không đầy đủ. Hiện sức khỏe của 2 bệnh nhân đã ổn định. Đến ngày 27/8, bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lộc Ninh sức khỏe ổn định và đã trở về địa phương.
Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, do Bình Phước có đường biên giới dài hơn 260 km, nhiều xã miền núi có hơn 20% đồng bào dân tộc thiểu số, do đó tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh.
Tỉnh Bình Phước cũng cần lưu ý công tác chỉ đạo, giám sát các trường hợp nghi nhiễm Covid -19, rà soát người nhập cảnh trái phép, giám sát trên diện rộng để sớm phát hiện nguồn lây; duy trì giám sát, theo dõi diễn tiến dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện nghi vấn tại các cơ sở y tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-co-dich-benh-tai-cac-dia-ban-bien-gioi-508818.html